MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mầm non huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho trẻ ăn trưa. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại). Ảnh: Hưng Thơ

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên: “Sống lâu lên lão làng”

QUANG ĐẠI LDO | 15/03/2021 07:25
Theo quy định, để trở thành giáo viên hạng I, phải trải qua quá trình công tác ít nhất 15 năm.

Ngày 2.2.2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư 01-02-03-04/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và tiểu học, THCS, THPT. Điểm chung của các thông tư nói trên là phân chia giáo viên thành 3 hạng theo thứ tự từ thấp đến cao: III-II-I.

Về bằng cấp, giáo viên hạng I bậc mầm non yêu cầu bằng đại học, còn giáo viên phổ thông (từ tiểu học đến THPT) đều yêu cầu bằng thạc sĩ. Một tiêu chuẩn “cứng” nữa của giáo viên phổ thông hạng I là phải được công nhận giáo viên giỏi cấp huyện đối với giáo viên tiểu học và THCS hoặc cấp tỉnh đối với giáo viên THPT.

Tuy nhiên, cho dù giáo viên có hội đủ các tiêu chuẩn nói trên, vẫn chưa thể được tham gia thi hoặc xét thăng hạng vào chức danh giáo viên hạng I nếu chưa đủ số năm công tác theo quy định.

Cụ thể, giáo viên hạng III phải đủ 9 năm công tác mới được xem xét thăng hạng II, giáo viên hạng II muốn lên hạng I phải trải qua ít nhất 6 năm công tác. Như vậy, giáo viên hạng I phải có ít nhất 15 năm công tác.

Nhà giáo Lê Văn Tùng - giáo viên THPT tại Nghệ An - phân tích: “Việc phân hạng viên chức giáo viên với các tiêu chí cụ thể nhằm tạo động lực cho giáo viên phấn đấu vươn lên, nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục. Tuy nhiên, quy định số năm công tác tối thiểu quá dài đã tạo rào cản để các giáo viên trẻ phấn đấu, bứt phá”.

Theo thầy Lê Văn Tùng, trong thực tế, có những giáo viên trẻ, mới ra trường vài ba năm rất xuất sắc, hội đủ các yếu tố để thăng hạng I nhưng vẫn phải chờ đến hàng chục năm là điều bất hợp lý.

“Họ giỏi, xuất sắc thì phải công nhận, đề bạt, như trong thể thao có quy định về danh hiệu kiện tướng, đại kiện tướng, có ai quy định độ tuổi tối thiểu bao giờ. Ngành Giáo dục lại ra quy định về độ tuổi tối thiểu, chẳng khác gì tư duy “sống lâu lên lão làng” - thầy Tùng nói.

Nhiều giáo viên cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định về độ tuổi tối thiểu trong việc thăng hạng giáo viên. “Quy định này không tạo ra động lực phấn đấu, cạnh tranh trong đội ngũ giáo viên, không có tác dụng động viên, khuyến khích các giáo viên trẻ xuất sắc để nâng cao chất lượng giáo dục” - cô giáo Ánh Tuyết, giáo viên THCS tại Hà Tĩnh, chia sẻ.

“Giáo dục là một lĩnh vực “động”, nhu cầu của người học đa dạng, liên tục thay đổi và ngày càng nâng cao, đòi hỏi mỗi nhà giáo phấn đấu học hỏi, rèn luyện không ngừng. Chính sách về chức danh, tiền lương cần tạo ra động lực thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu của mỗi người, hạn chế tối đa sự trì trệ” - nhà giáo Ánh Tuyết nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn