MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đàn chó được vợ chồng anh H chở xe máy từ tỉnh Long An về tỉnh Cà Mau. Khi phát hiện cả hai dương tính, đàn chó được tiêu hủy. Ảnh: từ Clip

Tiêu hủy đàn chó, chọn phòng chống dịch hay thú cưng?

NHẬT HỒ LDO | 10/10/2021 22:12
Việc xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tiêu hủy đàn chó 15 con của hai vợ chồng trở về Cà Mau dương tính với SARS-CoV-2 đang được cộng đồng mạng quan tâm. Hai vợ chồng anh H. chắc đã xem chó là thú cưng của mình mới chở về bằng xe máy, nhưng việc Cà Mau tiến hành tiêu hủy đàn chó cũng có lý do của mình.

Chỉ trong vòng chưa đến 7 ngày, tỉnh Cà Mau đón nhận trên 30.000 người tự phát từ vùng dịch trở về. Hầu hết chạy xe máy về quê với hy vọng được “tránh dịch”. Ai cũng biết việc làm này là tự phát, là chưa đúng quy định phòng chống dịch, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, vì thiếu việc làm, vì cạn kiệt nguồn tài chính... nên họ hồi hương một cách chặng đặng đừng.

Đàn chó của anh H. được chở từ tỉnh Long An về tỉnh Cà Mau. Ảnh căt từ clip.

Dĩ nhiên, ai cũng biết khi về đến địa phương phải cách ly theo quy định, nếu không may dương tính phải được điều trị. Vậy cuộc hồi hương có được chở thú cưng về không. Câu trả lời là có. Nhưng chở cả đàn chó 15 con như vợ chồng anh H. thuộc dạng “xưa nay hiếm”.

Tại khoản 4, Điều 12, Nghị định 117/NĐ-CP, ngày 28 tháng 9 năm 2020 quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi: Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

Tại khoản 6 điều này cũng quy định: Buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác đối với hành vi quy định tại điểm đ, khoản 2, điểm b, c, khoản 4 và điểm d, khoản 5, Điều này.

Vấn đề là 15 con chó, 1 con mèo của anh H. có phải là động vật có khả năng lây truyền bệnh dịch hay không. Điều này được Bộ Y tế khuyến cáo: Người nhiễm bệnh COVID-19, người cách ly điều trị không nên tiếp xúc với vật nuôi nhằm trách lây lan dịch bệnh.

Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau Trần Tấn Công thông tin chính thức vụ tiêu hủy đàn chó. Ảnh: Hữu Hiếu

Hình ảnh đàn chó cùng chủ trên xe máy trở về được chia sẻ trên mạng khiến nhiều người thấy thương cảm. Lý ra lực lượng chức năng nên hướng dẫn anh H. không nên lỉnh kỉnh chở những con vật này từ Long An về tận Cà Mau. Bởi lẽ việc chở người, vật và đàn chó trên một chiếc xe máy còn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Mặt khác, khi về tới địa phương, liệu những người cách ly, điều trị khác có chấp nhận sống chung với chó? Dù con chó là thú cưng dưới con mắt của nhiều người nhưng thực tế đàn chó cách ly cùng người đã chạy lung tung khiến nhiều người trong khu cách ly lo lắng. Người dân sống xung quanh khu cách ly cũng lo. Họ liên tiếp phản ánh với Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 xã.

Tại buổi họp chiều ngày 10.10, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau Trần Tấn Công cho biết: Anh em làm nhiệm vụ phòng chống dịch suốt mấy tháng nay rất mệt mỏi. Hơn nữa mấy ngày gần đây, lượng người tự phát trở về quê quá đông khiến cho ngành y tế, khu cách ly đều quá tải. Riêng chuyện lo ăn, lo ở cho dân cùng một lúc quá đông đã vô cùng khó khăn.

Chính vì vậy, chuyện người dân tự phát trở về đem theo 15 con chó, 1 con mèo, mà chủ của chúng và nhiều người đi cùng đều dương tính với SARS-CoV-2 (5/7 người dương tính) khiến người trong khu cách ly, người dân xung quanh cũng lo lắng, phản ứng gay gắt. Lực lượng làm nhiệm vụ chưa có tiền lệ trong việc cách ly chó, mèo; chăm sóc chó, mèo cho người dương tính.

Thú cưng thì ai cũng yêu, cũng mến. Nhưng dịch bệnh COVID-19 thì ai cũng cần đề phòng, nâng cao cảnh giác. Chủ trương chống dịch coi tính mạng con người là quan trọng. Chính quyền cơ sở lo cho dân ùn ùn kéo về trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh COVID-19 tăng cao tại tỉnh Cà Mau đã gặp áp  lực rất lớn. Bởi vậy, việc tiêu hủy đàn chó, mèo lên tới 16 con của người tự phát về Cà Mau bị nhiễm SARS-CoV-2 dẫu là quyết định cứng nhắc, nhưng cũng cần đặt trong bối cảnh thực tế để có cái nhìn sẻ chia, cảm thông cho lực lượng chống dịch địa phương thay vì vội vàng lên án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn