MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nam Tiktoker gây tranh cãi vì miệt thị người nghèo. Ảnh: Cắt từ clip.

Tiktoker miệt thị người nghèo khi làm từ thiện: Cần bài trừ nội dung bẩn

DI PY LDO | 28/11/2022 06:15
Sau khi xuất hiện clip nam Tiktoker mua đồ ăn cho người nghèo nhưng lại sử dụng những ngôn từ mang tính miệt thị, nhiều người cho rằng anh này đang cố tình câu view phản cảm thông qua cái mác "từ thiện" của mình.

Có thể nói thời gian gần đây, các clip câu view trên Tiktok đang là đề tài nóng. Bên cạnh những người sáng tạo nội dung ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị về học thức, kinh nghiệm, nhiều Tiktoker câu view phản cảm với những trend, chiêu trò vô bổ, thậm chí lố bịch.

Không ít người trở thành Tiktoker triệu view nhờ đánh vào tâm lý tò mò của người xem. Từ đó, xảy ra hệ lụy gây nhiễu loạn không gian mạng và dẫn đến cuộc "ảo tưởng quyền lực" của các TikToker.

Dư luận bức xúc vì những clip câu view phản cảm

Cộng đồng mạng đang lan truyền clip một nam Tiktoker đi làm từ thiện bằng cách mua đồ ăn cho người nghèo. Tuy nhiên, trong clip, nam Tiktoker sử dụng nhiều ngôn từ phản cảm, mang tính miệt thị như: "Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn", "Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn", "Chúc bà nhiều sức khỏe, vượt qua mùa đông cô đơn nghèo khổ, bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu"...

Rõ ràng, việc giúp đỡ người khó khăn là một nghĩa cử cao đẹp. Tuy nhiên, cách nói chuyện của người này mang cảm giác thiếu tôn trọng, thậm chí có phần miệt thị người nghèo, huống chi đây là một người lớn tuổi.

Trước bức xúc của cộng đồng mạng, Tiktoker còn thanh minh rằng: "Nội dung làm từ thiện là do tôi chủ đích muốn làm theo kiểu vui tươi, vui vẻ và không có sự buồn phiền. Bởi vì đã thấy người ta nghèo rồi nên tôi cũng không muốn khóc lóc hay có những giọt nước mắt trong đó".

Tuy nhiên, lời giải thích này như càng "đổ dầu vào lửa", bởi nhiều khán giả, thậm chí người có tầm ảnh hưởng như các nghệ sĩ cũng lên tiếng yêu cầu tẩy chay những Tiktoker sáng tạo nội dung bẩn, câu view như vậy.

Nhiều người nhận định rằng, nam Tiktoker này làm từ thiện là phụ nhưng mục đích câu view để thu hút sự quan tâm của khán giả mới là chính. Bằng chứng là clip anh đăng tải lên Tiktok thu về khoảng 5 triệu lượt xem và hàng chục ngàn lượt tương tác. Thêm nữa, sau khi xảy ra ồn ào, Tiktoker lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn có nhiều lời lẽ thách thức cộng đồng mạng và cho biết bản thân không xóa clip này.

Một clip khác của nam Tiktoker làm từ thiện gây tranh cãi. Ảnh: Cắt từ clip.

Sáng tạo hay chiêu trò?

Rõ ràng, môi trường Tiktok là nơi để người trẻ sáng tạo nội dung, đa dạng các đề tài từ ẩm thực, đời sống... Tuy nhiên, chính sự đa dạng và cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sáng tạo nội dung đã khiến nhiều Tiktoker muốn trồi lên bất chấp câu view.

Bên cạnh nam Tiktoker miệt thị người nghèo, trước đó đã có một Tiktoker bị xử phạt vì miệt thị người miền Trung.

Theo đó, người này dùng những từ ngữ miệt thị người miền Trung như: Keo kiệt, xấu xa...

Đặc biệt, thời gian qua, người xem bất bình vì loạt Tiktoker lĩnh vực ẩm thực chứng tỏ quyền lực của bản thân khi khen chê các cửa hàng, quán xá dựa trên khẩu vị của mình chứ không hoàn toàn đến từ học thuật, kinh nghiệm hay được đào tạo bài bản. Nhiều quán thuê các Tiktoker với giá vài triệu đồng thì được khen "tận mây xanh", nhưng ngược lại một số quán không bỏ tiền ra để booking (thuê PR) thì bị dìm thảm hại, dẫn đến một số quán treo biển cấm cửa các Tiktoker này.

Thậm chí mới đây, trong một chương trình về du lịch - ẩm thực Hàn Quốc, việc một Tiktoker phát ngôn gây tranh cãi về việc "chê" cá Việt, dù vô tình  (hay hữu ý) nhưng cũng tạo nên làn sóng tranh cãi lớn trong khán giả. Nhiều người cho rằng Tiktoker sính ngoại khen ẩm thực Hàn, trong khi ẩm thực Việt đa dạng, phong phú, nhưng do người này không có sự tìm hiểu kĩ càng, nên phát ngôn thiếu kiểm soát...

Cần bài trừ nội dung bẩn

"Cần câu cơm" của các Tiktoker là số lượt người theo dõi hay lượt xem trên mỗi video. Có thể thấy, khán giả Việt đang còn quá "nhẹ tay" với các Tiktoker đi lên nhờ chiêu trò. Thậm chí, những TikToker chuyên có phát ngôn, video phản cảm nhưng lại sở hữu lượng fan khủng. Điều này cho thấy khán giả còn nhiều người rất dễ dãi. Khi khán giả còn tiếp tay để những lượt xem Tiktok tăng, đồng nghĩa quyền lực ảo kia vẫn sẽ tiếp tục lộng hành.

Tiến sĩ tâm lý Hoàng Oanh cho rằng: "Dựa vào tâm lý, nhiều TikToker đánh vào sự tò mò của khán giả, họ sẽ làm những clip mang tính chất tranh cãi để thu hút nhiều người xem. Sau đó, dựa vào sức hút, sự nổi tiếng của mình để kiếm tiền. Vậy nên, muốn bài trừ các Tiktoker này, cần phải tẩy chay những nội dung bẩn, làm sạch môi trường mạng trước".

Theo Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Tùng Long, nên có những biện pháp xử lý các Tiktoker hoặc bất cứ ai thường xuyên tạo những video, hình ảnh câu view trên mạng: "Thiết nghĩ các cơ quan văn hóa cần những hình thức xử phạt nghiêm khắc các vi phạm, để  Tiktoker không lạm dụng chiêu trò, sản xuất ra những video độc hại như hiện tại".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn