MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh nấm mọc từ ấu trùng ve sầu được người dân lầm tưởng là đông trùng hạ thảo nên đào và nấu ăn dẫn đến ngộ độc. Ảnh: Sở Y tế Đắk Lắk

Tin vào thần dược, không mất tiền cũng thiệt thân

Thanh Hải LDO | 05/06/2023 15:25

Có đến 6 người dân trú tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, Đắk Lắk đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì ăn phải nấm mọc từ... xác nhộng ve sầu.

Vụ ngộ độc xảy ra từ trưa 3.6.2023, nhưng đến ngày 5.6 các bệnh nhân vẫn chưa thể xuất viện.

Trong số 6 người bị nạn, có một trẻ em. Theo hồ sơ bệnh án, các bệnh nhân này được người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tay chân yếu. Sau khi thăm khám, 5 bệnh nhân lớn tuổi được đưa vào cấp cứu, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, còn 1 bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh.

Theo lời kể của bệnh nhân, tại địa phương có nhiều người lầm tưởng loại nấm mọc từ xác nhộng ve sầu là... đông trùng hạ thảo, nên thời gian gần đây đã đua nhau đi đào và rao bán với giá 70.000/kg.

Vì vậy, gia đình này cũng đi đào được hơn mười cây nấm màu đỏ, mọc từ xác nhộng (ấu trùng) ve sầu quanh nhà, nấu cho mọi người cùng ăn. Sau khi ăn chừng 2 tiếng thì những người trong gia đình có biểu hiện bủn rủn chân tay, nôn ói, đau bụng, đi cầu lỏng... rồi được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp. Vì bệnh nặng nên chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Ngộ độc do ăn nấm lạ không phải là hiếm, nhưng thường là do người đi hái không biết, hoặc bị nhầm loại nấm độc vì có hình dáng, màu sắc giống với loại nấm ăn được. Có trường hợp khác, ngộ độc dạng nhẹ hơn là do quá trình chế biến nấm rừng không đúng cách.

Riêng việc đi săn lùng nấm mọc từ xác ấu trùng, từ côn trùng, động vật chết... như trường hợp này là một thực trạng mới xuất hiện. Bởi hiện nay, sản phẩm "đông trùng hạ thảo" đang nổi lên trên thị trường, được giới thiệu, quảng cáo như một loại thần dược.

Nếu truy cập vào một số website, fanpage... giới thiệu sản phẩm đông trùng hạ thảo, có thể dễ dàng gặp những lời quảng cáo "có cánh" về công dụng của loại dược liệu này, như có thể chữa bệnh gan, gout, thậm chí cả bệnh ung thư.

Các thông tin về đông trùng hạ thảo được giới thiệu mập mờ, có thể hiểu là dược phẩm, là thực phẩm chức năng, thậm chí có công năng như thuốc chữa bệnh nan y. Ngoài các địa chỉ nuôi trồng, sản xuất trong nước, còn rất nhiều sản phẩm đông trùng hạ thảo nhập khẩu, mà không biết chất lượng tới đâu.

Đáng nói là rất nhiều người dân, bệnh nhân đã tin dùng. Nhiều người tốn hàng chục đến cả trăm triệu đồng để mua loại "thần dược" này.

Nhầm tưởng đông trùng hạ thảo có thể là dược phẩm chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, bồi bổ sức khỏe... đến mức thấy bất kỳ cây nấm nào mọc trên xác ấu trùng, nhộng, cũng đều cho là đông trùng hạ thảo, để rồi suýt bỏ mạng, thì đó là mù quáng chứ không phải là niềm tin.

Việc quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng của thực phẩm chức năng, dược phẩm... đã xảy ra tràn lan, thời gian dài. Nhiều người nổi tiếng, "người của công chúng" tham gia quảng cáo, giới thiệu sản phẩm đã tạo niềm tin, ấn tượng sâu sắc trong dân chúng nhất vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặc dù thời gian gần đây, việc quảng cáo thái quá, sai sự thật đã bị lên án, nhà nước cũng đã có các biện pháp thắt chặt quản lý, nhưng thực tế vẫn chưa hết.

Hậu quả, thấy nấm mọc trên xác nhộng ve sầu mà nhầm tưởng đông trùng hạ thảo, rồi đua nhau đi đào, mua bán là nhãn tiền. Người mua nhầm mất tiền, người dùng nhầm có thể bỏ mạng oan uổng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn