MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Toàn bộ chính sách có hiệu lực từ giữa tháng 10.2020

Minh Hương LDO | 07/10/2020 16:43
Chính sách có hiệu lực từ 11-20.10 liên quan đến các vấn đề về giao dịch bán hàng miễn thuế; mức phạt hành vi pha chế xăng dầu...

Đồng tiền dùng trong giao dịch bán hàng miễn thuế có hiệu lực thi hành từ 15.10.

Theo đó, bên cạnh đồng Việt Nam thì các đồng tiền sau được dùng trong giao dịch bán hàng miễn thuế:

Đồng ngoại tệ đôla Mỹ (USD), euro (EUR) (hiện hành theo Nghị định 167, các ngoại tệ tự do chuyển đổi đều được giao dịch).

Đồng tiền của quốc gia nơi các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện nhập cảnh, quá cảnh tại quốc gia đó (Quy định mới).

Đồng tiền của nước có chung biên giới đất liền với địa điểm đặt cửa hàng miễn thuế tại khu vực biên giới.

Mức phạt hành vi pha chế xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối thi hành từ 11.10.

Theo đó, phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi pha chế xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối và có thể bị tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.

Đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây, có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng: Thương nhân đầu mối thực hiện pha chế xăng dầu nhưng không đăng ký cơ sở pha chế theo quy định; Thực hiện pha chế xăng dầu tại địa điểm không phải nơi sản xuất, xưởng pha chế hoặc kho xăng dầu phục vụ cho nhu cầu nội địa của thương nhân đầu mối.

Lưu ý, các mức phạt nêu trên áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng 1/2 so với tổ chức.

Tăng mức phạt hành vi vi phạm về quấy rối người tiêu dùng từ 15.10.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (hiện hành từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng) đối với thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có các hành vi quấy rối người tiêu dùng như sau:

Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên.

Có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Trường hợp nếu có các hành vi ép buộc người tiêu dùng sau đây thì có thể bị phạt tiền đến 30.000.000 đồng: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng để ép buộc giao dịch; Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.

Mức giới hạn bồi thường khi vận chuyển bằng máy bay từ 15.10.

Đối với vận chuyển hành khách, giới hạn bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán (ĐVTT) lên 128.821 ĐVTT/khách.

Trường hợp vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ 4.150 ĐVTT lên thành 5.346 ĐVTT/khách.

Đối với vận chuyển hành lý (bao gồm hành lý ký gửi và xách tay), giới hạn bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 1.000 ĐVTT lên 1.288 ĐVTT/khách.

ĐVTT là đơn vị tiền tệ do Quỹ Tiền tệ quốc tế xác định và được chuyển đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn