MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tôi trưởng thành hơn trong những ngày giãn cách xã hội ở TPHCM

Thanh Chân LDO | 17/08/2021 09:07

Mùa hè năm nay, học sinh, sinh viên TPHCM ở nhà thay vì tham gia các khoá học kỹ năng, đi du lịch... do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một ngày giãn cách bận rộn

"Dịch bệnh ở TPHCM ngày càng căng thẳng, tôi phải thích nghi với hoàn cảnh để tìm niềm vui" - Vũ Ngọc Đan Chi (22 tuổi, quận 6, TPHCM) chia sẻ.

Mỗi ngày thức dậy, Đan Chi tự làm bữa sáng để có đủ năng lượng cho ngày mới. Bữa sáng có thể là bánh mì, cơm chiên, mì tôm thay cho sự đa dạng như trước là hủ tiếu, phở, cơm tấm...

Đan Chi tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để vẽ tranh, tập thể dục. Ảnh: NVCC

Trong lúc nấu ăn, Chi thường mở một bản nhạc tiếng Anh để vừa phá vỡ không khí trầm lặng vừa có thể nâng cao trình độ ngôn ngữ. "Ban đầu, tôi nghĩ việc tự nấu ăn để có thể no bụng nhưng chợt nhận ra tôi cũng có năng khiếu. Tôi lên mạng tìm công thức rồi tự nấu món mình thích" - Chi nói.

Với công việc trợ giảng ở một trung tâm tiếng Anh, thường vào buổi chiều hằng ngày, Chi sẽ ngồi vào bàn làm việc để bắt đầu buổi dạy học online. Đan Chi thường dành 5-10 phút trước buổi dạy để trò chuyện với học trò về tình hình sức khỏe cũng như nghe những mẩu chuyện vui của các em.

Cô sinh viên năm cuối của trường Đại học Sư phạm TPHCM này cũng vừa kết thúc môn học cuối cùng trong thời sinh viên của mình. Để chuẩn bị thật tốt cho công việc tương lai, Chi cũng dành thời gian này để ôn luyện thêm tiếng Anh với mong muốn đạt được kết quả tốt nhất.

"Hơn bao giờ hết, giãn cách xã hội cũng là cơ hội để tôi dành thời gian cải thiện sức khỏe. Tôi dành ít nhất 60 phút mỗi ngày để tập thể dục, chú trọng rèn luyện sức khỏe qua các bài tập thể dục đơn giản" - Chi tâm sự.

Bên cạnh đó, Chi cũng tranh thủ thời gian này để vẽ tranh, trang trí, làm mới lại góc học tập... Không những vậy, để giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ, mỗi ngày, Chi sẽ dõi theo những điều tích cực, những câu chuyện đẹp trong cuộc sống được chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Từ đó, cảm nhận bản thân thật may mắn, hạnh phúc khi vẫn khỏe mạnh, được ở nhà và được làm việc.

Giãn cách nhưng không xa cách

Cũng giống như Chi, Lê Quỳnh Trang (20 tuổi, sinh viên Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ: "Tôi chưa từng nghĩ sẽ có khoảng thời gian hơn 1 tháng chỉ ra khỏi nhà khoảng 6 lần. Những lần ra khỏi nhà đều là đi mua thức ăn".

TPHCM trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Ngọc Lê

Khoảng thời gian giãn cách, Trang không phải đến trường nên có nhiều thời gian cho gia đình hơn. Ít bộn bề với công việc hay học tập, Trang có nhiều thời gian hơn để gọi video cho bố mẹ, chia sẻ được những câu chuyện mình cảm thấy tích cực cho gia đình cùng bàn luận.

"Không khí lúc này vui lắm, bố, mẹ hay tôi cũng đều nói chuyện không thôi. Thời gian giãn cách này, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn, biết quan tâm đến nhiều người xung quanh" - Trang thích thú kể.

Những cuộc điện thoại không chỉ dừng lại ở gia đình, Trang còn gọi điện thoại để "tám" với bạn bè về mọi điều từ việc hôm nay nấu món gì, tình hình sức khỏe, trồng thêm cây nào mới...

"Mỗi ngày, việc ở nhà trồng cây, chăm cây, trò chuyện với cây giúp tôi có được những ngày giãn cách nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn.

Với tôi, có thêm một cây xanh vừa có thể cải thiện không gian vừa rèn luyện sức khoẻ, tinh thần. Do đó, mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm đều có thể trồng cây. Tôi gọi cho bố mẹ để khoe về những cây khoai lang của mình lớn lên từng ngày" - Trang vui vẻ nói.

Trong những ngày giãn cách, nhiều người trồng cây mới. Ảnh: Hải Âu

Để không cảm thấy chán nản, lo âu trong những ngày giãn cách xã hội này, Trang nghĩ điều quan trọng nhất chính là giữ được tinh thần lạc quan bằng cách tìm niềm vui cho cả bản thân và những người xung quanh từ những việc nhỏ nhất như nấu ăn, trò chuyện...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn