MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tôm hùm đất Trung Quốc (ảnh: LDO).

Tôm càng đỏ: Bài học nhãn tiền từ "đại họa ốc bưu vàng"

Thế Lâm LDO | 22/05/2019 11:30
Tôm hùm đất, còn gọi là tôm càng đỏ, tôm hùm đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus) từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ vào năm 2012. Sau đó các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển vì xác định đây là loài ngoại lai nguy hại cho môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Đến năm 2013, tôm hùm đỏ bị liệt vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu.

Thế nhưng gần đây, tôm hùm đỏ lại được nhập khẩu vào Việt Nam đa phần từ Trung Quốc. Giá bán loại tôm này tại TP.HCM từ khoảng 250.000 đến hơn 300.000 đồng 1kg đã thu hút nhiều người mua về ăn vì cho rằng thịt ngon dai, giá lại không cao hơn nhiều so với tôm sú nuôi trồng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao có thể kiểm soát được việc nhập khẩu một loại sinh vật bị cấm nhập vì gây nguy hại môi trường sinh thái là chỉ để ăn mà không phát tán ra môi trường?

Bài học từ việc nhập khẩu ốc bưu vàng về nuôi tại Việt Nam vẫn còn đó, khiến người nông dân bao năm lãnh đủ hậu quả tàn phá khủng khiếp cây của loại sinh vật này. Và cũng còn đó bài học về việc nhập khẩu hải ly về nuôi và nhân giống, rồi cây mai dương.v.v... Món lợi thì nhỏ được cho một số cá nhân hay gia đình, nhưng sự nguy hại và thiệt hại thì rất lớn, thậm chí khủng khiếp khó tính xuể như “đại họa ốc bưu vàng”.

Thương nhân nhập về, tiểu thương lấy mối về bán lẻ, cũng chỉ vì món lợi của họ. Họ có thể biết hoặc không biết tôm hùm đỏ là loài sinh vật bị cấm nhập khẩu. Song với các cơ quan quản lí và cơ quan chuyên môn, chắc chắn đã xác định được rõ ràng việc nhập khẩu về là vi phạm cho dù để phục vụ ẩm thực.

Nên nhớ rằng, một số quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay cấm người nhập cảnh từ Việt Nam mang theo thực phẩm có thịt lợn vì lí do dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang xảy ra tại Việt Nam. Đã có trường hợp bị phát hiện và mức phạt lên đến hàng chục ngàn USD.

Việc lan rộng của dịch tả lợn Châu Phi ra nhiều địa phương trong thời gian qua có nguyên nhân chủ yếu từ công tác kiểm soát thiếu đồng bộ và chặt chẽ, nếu không muốn nói là đã có phần chủ quan, lỏng lẻo ở nhiều cửa ngõ tỉnh, thành phố. Hậu quả là, cả nước đến nay phải tiêu hủy hơn 1,5 triệu con lợn, thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Trong lúc chúng ta vẫn phải đang căng sức đối phó ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi, tôm hùm đỏ dù bị cấm nhập lại “bò” được vào Việt Nam. Qui mô, số lượng tôm hùm đỏ nhập khẩu trái phép vào Việt Nam ở thời điểm này vẫn chưa nhiều. Song nhìn từ đợt dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành, các cơ quan chức năng nếu không có biện pháp kiên quyết, nghiêm khắc ngăn chặn và xử lí triệt để từ đầu mối nhập khẩu đến đối tượng vận chuyển, bán lẻ thì hoàn toàn có thể dẫn đến những hệ lụy lớn.

Ngay cả người tiêu dùng, cũng không nên vì món lạ muốn dùng thử mà vô hình chung kích thích những thương nhân nhập khẩu, bán buôn trái phép tôm hùm đỏ vì hám lợi lại càng vi phạm nặng nề hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn