MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm dự thi KHKT dành cho học sinh được giới thiệu trên mạng xã hội dành cho ai có nhu cầu "tư vấn, thiết kế". Ảnh: QĐ

Tổng kết 10 năm thi KHKT: Thừa lời khen, thiếu ứng dụng thực tiễn

QUANG ĐẠI LDO | 07/08/2022 10:52

Bộ GDĐT vừa công bố tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh với những số liệu và những lời nhận xét “có cánh”.

Theo thông tin đăng trên website của Bộ GDĐT ngày 5.8 về cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh, hằng năm mỗi tỉnh thành có từ 200 - 300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn từ 2 - 6 dự án tham gia cuộc thi cấp quốc gia.

Trong 10 năm tổ chức cuộc thi KHKT, tất cả các địa phương đều có dự án tham gia dự thi và cũng đều có dự án đạt giải (số dự án đạt giải của địa phương có ít nhất là 5, nhiều nhất là 137), nhiều tỉnh, thành đã đạt được những thành tích đáng trân trọng.

Thành tích của học sinh Việt Nam trong Hội thi ISEF luôn luôn ổn định. Năm nào Việt Nam cũng là một trong khoảng 50% quốc gia và vùng lãnh thổ có giải tại hội thi này.

Rất nhiều lời khen, mĩ từ tích cực dành cho cuộc thi đến từ các cán bộ quản lý, lãnh đạo giáo dục các địa phương: “thiết thực, sân chơi trí tuệ đỉnh cao, bổ ích và hấp dẫn cho các em học sinh”, “động lực mạnh mẽ cho học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học”, “hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu cao của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”...

Tuy nhiên, theo nội dung trên trên website của Bộ GDĐT ngày 5.8 về cuộc thi KHKT, sau 10 năm, vẫn không thấy công bố bao nhiêu dự án đạt giải có ứng dụng thực tế, được doanh nghiệp mua bản quyền hoặc tài trợ phát triển, được cấp bằng sáng chế, được sản xuất, áp dụng rộng rãi trong thực tế.

Trong khi, mỗi năm có hàng nghìn dự án sáng tạo KHKT đạt giải từ cấp huyện trở lên (riêng giải cấp tỉnh trong 10 năm có 7.253 dự án, trung bình mỗi năm có hơn 700 dự án đạt giải).

Có rất nhiều các dự án của học sinh đạt giải đã làm giới khoa học kinh ngạc về độ khó, phức tạp, hàn lâm ngang tầm luận án tiến sĩ, theo nhiều người nhận định chỉ có “thần đồng, Thánh Gióng” mới làm được. Cụ thể là các dự án phát hiện, điều trị bệnh hiểm nghèo, vật liệu mới, thiết bị công nghệ cao trong y tế, phòng chống COVID-19, chống biến đổi khi hậu, cứu hộ...

Người dân đang hỏi Bộ GDĐT hiện các “thần đồng, Thánh Gióng” ấy đang ở đâu, làm gì, đã có ai trở thành nhà khoa học, nhà sáng chế, đã có ai đạt giải Nobel chưa?

Không thấy thông tin về những hạn chế, tồn tại, tiêu cực của cuộc thi, Bộ GDĐT chỉ nhận định: “Bên cạnh những kết quả, dấu ấn tốt đẹp qua 10 năm tổ chức, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cũng đứng trước yêu cầu cần thay đổi để phù hợp với đổi mới chung của giáo dục phổ thông. Mới đây, Bộ GDĐT đã tiến hành khảo sát ý kiến của các cán bộ quản lý giáo dục cấp Sở, Phòng, nhà trường và các giáo viên trung học về cuộc thi này, để qua đó có phương án thay đổi phù hợp”.

Điều khó hiểu là cuộc thi diễn ra trong 10 năm với quá nhiều phương diện ưu việt, tích cực như thế, sao Bộ GDĐT lại phải cân nhắc “phương án thay đổi phù hợp"?

Chưa nhìn nhận đúng mức về sự bất cập, không phù hợp thì làm sao có thể có giải pháp thay đổi phù hợp, thưa Bộ GDĐT?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn