MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều quận tại TPHCM cùng có tên đường là Phan Văn Trị. Ảnh C.Huân

TP Hồ Chí Minh hỗn loạn tên đường: Sao không xoá hết đi, đặt lại?

Bằng Linh LDO | 25/09/2020 17:40
TP Hồ Chí Minh, có lẽ là một trong những nơi mà tên đường phố hỗn loạn, không theo quy luật, phi khoa học nhất trên thế giới. Điều này gây phiền hà cho người dân bao nhiêu năm nay chưa giải quyết xong.

Sở Văn hoá và Thể thao vừa có tờ trình gửi đến UBND TP Hồ Chí Minh về việc đặt mới, đổi tên 47 tuyến đường trên địa bàn TP HCM. Con số này quá nhỏ so với khoảng 1.800 đường mang tên tạm và hàng trăm tên đường không có ý nghĩa, trùng tên hoặc tên đường phản cảm trong tổng số 3600 tên đường hiện hữu ở TP Hồ Chí Minh.

Có những điều rất vô lý nhưng vẫn tồn tại hàng chục năm, chẳng hạn có khoảng 200 tên đường trùng nhau, rải rác ở các quận huyện gây nhầm lẫn.

Tuy việc này có tính lịch sử vì TP.HCM được xác lập trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính cũ là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định nhưng không có nghĩa chấp nhận khi sự phiền hà đã kéo dài nhiều thập kỷ.

Cách đây vài năm, đã có ý kiến của các chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh đã đến lúc cần “xoá sạch tên đường ở TP Hồ Chí Minh để đặt lại một lần” tránh họp lên bàn xuống. Ý kiến này cũng nhận đường khá nhiều quan điểm ủng hộ.

Năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định bổ sung 1070 tên đường mới vào quỹ tên đường Theo đó, danh sách thứ nhất có 101 tên các nhân vật lịch sử và địa danh, gồm 19 tên đường mang tên nhân vật lịch sử trước thế kỷ 20; 45 tên đường mang tên nhân vật lịch sử sau thế kỷ 20; 27 tên đường mang tên nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật; 8 tên đường mang tên danh nhân người nước ngoài và 2 tên đường mang địa danh. Danh sách thứ 2 có 969 tên của bà mẹ Việt Nam anh hùng đã mất được truy tặng, phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng đủ điều kiện để bổ sung vào quỹ tên đường nói trên.

Thế nhưng, quỹ này thường dùng cho tên đường mới, còn sự lộn xộn, hỗn loạn của hệ thống tên đường cũ vẫn còn.

Một vấn đề khác là tên quận huyện tại TP Hồ Chí Minh thường được đánh theo số. Ví dụ phường 5, phường 6, quận 2, quận 9 … Dù cách đánh tên này mang tính lịch sử nhưng cho thấy sự đơn điệu, dễ dãi, nghèo nàn trong việc đặt tên phường, quận.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị tổ chức phản biện về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021. Trong quá trình xây dựng đề án trên, TPHCM đã lồng ghép vào đó đề án thành lập Thành phố Thủ Đức.

Tại văn bản này UBND TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra các phương án nhập một số quận ở quận 4 nhập: phường 2 và phường 5 thành phường 2; nhập phường 12 và 13 thành phường 13. Quận 5 nhập phường 12 và phường 15 thành phường 12. Tại quận 10 nhập phường 2 và phường 3 thành phường 2. Quận Phú Nhuận nhập phường 11 và phường 12 thành phường 11; nhập phường 13 và phường 14 thành phường 13.

Tại sao khi nhập thành phường mới không đặt tên cho phường luôn mà vẫn phải giữ tên phường bằng số?

Dù việc đặt lại tên đường phố, quận huyện ở TP Hồ Chí Minh có thể ban đầu gây khó khăn trong việc chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ cho người dân nhưng với thời đại công nghệ mới, việc này không khó. Nhất là thời gian này việc thu thập dữ liệu dân cư, bỏ hộ khẩu giấy, làm lại Căn cước công dân đang tiến hành thì việc sửa đổi là cần thiết.

Vậy tại sao không nghĩ đến việc xoá hết các tên đường đi, đặt lại một lần trên nguyên tắc tên đường có hệ thống, giữ những tên đường cũ nhưng không để tên đường đã trùng nhau, thay vào đó là các tên đường mới. Đồng thời bỏ các tên quận huyện nghèo nàn về ý nghĩa như việc đánh số như hiện nay thay vào đó là những tên mới?

Được biết, TP Hồ Chí Minh đã từng chi tiền tỉ thực hiện đề án dày tới 2000 trang về "Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP. Hồ Chí Minh - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020". Đề án này hoàn thành năm 2016 và cho đến nay, đã gần hết năm 2000 nhưng đề án vẫn… đắp chiếu gây lãng phí công sức, tiền bạc và thời gian.

Sao không làm một lần, thay đổi cho dân đỡ khổ?

Bạn đọc có đồng ý quan điểm bài viết trên? Mời bạn đọc chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này trong phần bình luận. Những bình luận phù hợp sẽ được đăng tải sớm nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn