MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM phát động cán bộ công chức, viên chức đi xe buýt. Ảnh: Minh Quân

TPHCM cần làm gì để cán bộ công chức lựa chọn đi xe buýt?

MINH QUÂN LDO | 29/06/2022 06:04

TPHCM - Trước việc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM phát động cán bộ công chức, viên chức đi xe buýt, nhiều ý kiến cho rằng phải tăng chất lượng xe buýt, sự tiện lợi, đặc biệt là việc không trễ giờ, mới thu hút công chức, viên chức sử dụng.

Mong xe buýt đúng giờ hơn

Việc phát động cán bộ công chức, viên chức ở TPHCM đi làm bằng xe buýt không phải mới. Trước đây, TPHCM đã có nhiều đợt vận động và nhiều cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, các công ty đã hưởng ứng bằng cách tặng vé xe buýt cho nhân viên, hỗ trợ một phần tiền vé, cộng điểm thi đua cho người nào đi xe buýt thường xuyên...

Thế nhưng, sự hưởng ứng không được lâu vì xe buýt hay trễ giờ khiến nhiều người bị trễ giờ làm, ảnh hưởng đến công việc. Đặc biệt, nhiều khâu liên quan đến tiếp công dân, giải quyết nhu cầu của người dân càng không thể đi trễ.

Là người thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm, anh Mai Văn Thành (45 tuổi, công chức Thành phố Thủ Đức) cho hay, anh chọn xe buýt vì tính an toàn. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, ngồi xe buýt cũng không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, anh Thành mong xe buýt đúng giờ hơn. “Buổi sáng đi làm, tôi thường phải đón chuyến xe sớm để trừ hao khi xe trễ giờ hoặc bị kẹt xe. Ngoài ra, nhiều lúc tôi thấy xe buýt còn bỏ trạm, bỏ khách; tài xế thỉnh thoảng vẫn còn phóng nhanh, vượt ẩu. Những chuyện này phải khắc phục” - anh Thành nói.

Xe buýt TPHCM luôn gặp phải cảnh tắc đường trong giờ cao điểm. Ảnh: Minh Quân

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Bình - công chức ở quận 3 - cho biết, đầu giờ sáng, anh phải chở con đi học rồi mới đến cơ quan. Nếu dùng xe máy, anh chỉ mất 15 phút, còn đi xe buýt phải mất nửa tiếng trở lên. Do vậy, anh Bình dù rất muốn đi xe buýt cho an toàn nhưng vẫn phải chạy xe máy và chịu cảnh nắng nôi, bụi bặm.

"Một trong những yếu tố quyết định để xe buýt chinh phục hành khách và tạo được sức cạnh tranh chính là giờ giấc. Nhưng hiện đi xe buýt thời gian không đảm bảo khiến công việc chậm trễ nên tôi phải đi xe máy đi làm" - anh Bình nói.

Đừng để thành một phong trào hình thức

Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng, để khuyến khích cán bộ công chức, viên chức đi xe buýt, trước hết phải có sự thống nhất, đồng lòng hưởng ứng từ cấp lãnh đạo cao nhất của TPHCM, lan tỏa xuống lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Kế đến và quan trọng hơn là thu hút bằng chính chất lượng của xe buýt. Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng nên rà soát tính toán, bố trí luồng tuyến tạo thuận lợi cho khu vực tập trung nhiều cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các công ty.

Với nơi có nhiều cơ quan thì tổ chức nhiều tuyến xe buýt. Những nơi các cơ quan phân bổ rải rác thì tính đến phương án tổ chức xe đưa đón cán bộ công chức theo từng cụm gần nhau. Thời gian đầu có thể áp dụng tặng vé, giảm giá vé xe buýt để tạo thêm sức hút.

“Đừng biến việc phát động cán bộ, công chức đi xe buýt thành một phong trào hình thức. Thay vào đó, nên vạch ra lộ trình, xác định vận động dần dần theo từng cụm, từng khu vực, từng quận huyện. Nhân viên cơ quan này thấy nhân viên cơ quan kia đi xe buýt thuận tiện, tiết kiệm, an toàn... thì tự khắc họ cũng sẽ muốn đi” - ông Thắng nói.

PGS-TS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng, một yếu tố quan trọng khiến người dân chưa hào hứng đi xe buýt thời gian qua, đó là tình trạng xe buýt bị chậm giờ, trễ chuyến.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài cải tạo lại luồng tuyến cho phù hợp, thành phố cần triển khai ngay những làn đường ưu tiên hoặc nếu được đường dành riêng cho xe buýt.

"Khi có làn đường ưu tiên, dành riêng, xe buýt mới có thể đảm bảo chạy đúng giờ, đúng lộ trình và khi đó sẽ thu hút được người dân, học sinh, cán bộ công chức đi làm, đi học bằng xe buýt" - ông Mai nói.

Ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM - cho biết, nhiều năm qua, trung tâm đã khuyến khích cán bộ, nhân viên của đơn vị sử dụng xe buýt đi lại hằng ngày. Mỗi tuần, một nhân viên đi xe buýt ít nhất hai lần nhằm giảm tần suất sử dụng xe cá nhân, góp phần giúp thành phố giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường.

Theo ông Lê Hoàn, trung tâm đang nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe buýt; sắp xếp lại các tuyến buýt hiện hữu và tổ chức mạng lưới phù hợp nhu cầu đi lại của người dân từng khu vực, thời điểm...

"Trung tâm sẽ tổ chức thí điểm làn đường ưu tiên cho xe buýt trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và và Võ Thị Sáu, theo khung thời gian 2 giờ cao điểm buổi sáng và 3 giờ cao điểm buổi chiều các ngày trong tuần. Đây là 2 tuyến đường xuyên tâm, huyết mạch của TPHCM - nơi có nhiều tuyến xe buýt đi qua" - ông Hoàn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn