MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM: Giải quyết ô nhiễm tiếng ồn, đừng quên tiếng nẹt pô

AN NGUYÊN LDO | 11/03/2021 15:38
Theo ý kiến của người dân, ngoài một số nguồn tiếng ồn liên quan đến hoạt động karaoke và phát âm thanh bằng loa thùng, cơ quan chức năng cũng cần xử lý triệt để nguồn ô nhiễm tiếng ồn từ tiếng nẹt pô xe.

“Đừng quên tiếng nẹt pô”

Anh Nguyễn Lê (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cho biết: “Việc TPHCM giải quyết nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke và loa thùng là quá tốt. Tuy nhiên vẫn còn nguồn tiếng ồn cũng nên triệt tiêu dứt điểm, đó là những chiếc xe mô tô, gắn máy độ pô xoáy nòng, bất kể ban ngày hay đêm khuya, cứ đi vào những khúc đường vắng khu dân cư, là rú ga nẹt pô đinh tai nhức óc. Tình trạng này thường xuyên xảy ra ở đường Phú Thọ Hoà, đoạn gần với điểm giao với đường Bình Long”.

Trong khi đó, chị Lê Thị Duyên sinh sống ở Chung cư City Gate - nằm cạnh đường Võ Văn Kiệt (phường 16, quận 8) cũng hết sức bức xúc về tình trạng một số thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô, gắn máy nẹt pô inh ỏi trên đường.

Nhóm thanh niên tụ tập nẹt pô, đua xe ở khu vực đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh, TPHCM). Ảnh: Hữu Huy

“Thỉnh thoảng tầm 1-2h sáng, tôi lại bị đánh thức bởi những tiếng nẹt pô xe inh ỏi trên đường Võ Văn Kiệt. Tôi nghĩ mức phạt hành chính chưa đủ để răn đe các thanh niên tụ tập đua xe và nẹt pô nên tình trạng này vẫn tái diễn thường xuyên. Mong rằng cơ quan chức năng xem xét và có cách xử lý vấn đề tiếng ồn nẹt pô này một cách hiệu quả”- Chị Duyên bày tỏ.

Cần mạnh tay để răn đe

Theo tìm hiểu, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TPHCM vẫn thường xuyên tổ chức các chuyên đề nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng các thanh niên tụ tập, đi xe thành đoàn, nẹt pô và đua xe trái phép.

Gần đây nhất, vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trong đợt cao điểm phòng, chống tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, đua xe gây rối trật tự công cộng, CSGT TPHCM tạm giữ 1.954 phương tiện các loại và phạt tiền thu vào Kho bạc Nhà nước gần 9 tỉ đồng. Theo PC08, nhiều trường hợp thanh thiếu niên bị phát hiện vi phạm bởi các lỗi bấm còi, rú ga trong đô thị, khu đông dân cư, lưu thông thành đoàn, thay đổi nhãn hiệu, màu sơn, khung máy, đặc tính của xe, không gắn biển số,…

Một nhóm thanh niên tụ tập nẹt pô, đua xe ở khu vực đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh, TPHCM). Ảnh: Hữu Huy

Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, việc “độ” pô xe tạo âm thanh phát ra khi khởi động xe lớn hơn hẳn yêu cầu kỹ thuật ban đầu sẽ được xem là hành vi tự ý thay đổi bộ phận kết cấu của xe.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, tại khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Nghiêm cấm hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư….; Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Đối với những trường hợp vi phạm, việc xử lý được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019.

Luật sư Trần Minh Hùng. Ảnh: NVCC

“Mức xử phạt hiện nay không thấp và thực tế đã có tính răn đe nếu nghiêm túc xử phạt khách quan và công tâm. Tuy nhiên, việc xử phạt ở một số nơi còn chưa nghiêm túc, còn tình trạng không công tâm khi xử phạt đã làm cho người vi phạm không cảm thấy tính răn đe từ việc xử phạt. Theo tôi, pháp luật cần nghiêm minh, xử phạt triệt để, không tiêu cực, cho qua mà cần xử lý nặng và thậm chí tịch thu phương tiện vi phạm một thời gian nhất định.

Ngoài ra, cần có những biện pháp mang tính giáo dục, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người điều khiển phương tiện mới mong có sự thay đổi thực chất trong nhận thức của người lái xe”- luật sư Trần Minh Hùng nêu quan điểm.

PC08 Công an TPHCM cũng vừa ban hành kế hoạch từ ngày 15.3 đến hết ngày 14.6 sẽ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện, xe cũ nát, xe tự chế; tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: giấy phép lái xe, đăng ký xe; không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, đèn kèn thắng hoặc có nhưng không có tác đụng; vi phạm các quy định về gắn biển số, lắp thêm đèn, giá đỡ,…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn