MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ thụ bật gốc trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM chiều ngày 28.3. Ảnh: Anh Tú

TPHCM: Nơm nớp lo sợ cây xanh gãy đổ

MINH QUÂN LDO | 01/04/2022 06:10
TPHCM – Dù chưa vào mùa mưa nhưng tình trạng cây xanh gãy đổ lại tái diễn khiến nhiều người đi đường lo sợ.

Tối 9.2, một người phụ nữ 39 tuổi chở con gái 19 tuổi chạy trên đường Chu Mạnh Trinh (phường Bình Thọ, Thành phố Thủ Đức) bị cây phượng bật gốc đè trúng. Hai nạn nhân kẹt dưới nhánh cây lớn được người dân kéo ra ngoài đưa đi cấp cứu.

Mới đây, chiều ngày 28.3, mưa lớn kèm gió mạnh làm cây đa thân to gần một mét, cao hơn 20 m ngã đổ lên hai ôtô đậu ở Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh). Hai tài xế và hành khách trên ôtô kịp tháo chạy, thoát nạn.

Nhánh cây đè làm hư hỏng hai ôtô trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM.  Ảnh: Anh Tú

Mùa mưa những năm trước, nhiều sự cố cây xanh tương tự cũng liên tục xảy ra, từng gây thiệt hại về tài sản và sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người đi đường. Năm nay, mùa mưa chưa bắt đầu nhưng nhiều sự cố tương tự tái diễn khiến người dân lo lắng.

Ông Lê Công Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM cho biết, hiện công ty đang được thành phố giao chăm sóc, bảo dưỡng gần 100.000 cây xanh các loại trên các tuyến đường phố và công viên.

Theo ông Phương, công tác cắt tỉa, mé nhánh, kiểm tra, rà soát cây xanh được thực hiện ngay từ đầu năm và trước mùa mưa bão hằng năm nhằm hạn chế sự cố cây xanh.

Bên cạnh đó, công ty tăng cường kiểm tra phát hiện kịp thời các cây xanh có nguy cơ mất an toàn; cây bị chết khô; cây bị khiếm khuyết, hư hại (sam, mục, bọng), các hành vi vi phạm xâm hại đến hệ thống cây xanh đường phố và trong các công viên, mảng xanh để đề xuất xử lý.

Ông Lê Công Phương cho biết, các sự cố cây xanh (nhánh gãy, cây ngã…) thường xảy ra trong mùa mưa bão, đặc biệt là khi mưa lớn kèm giông lốc.

“Việc đô thị hóa, thi công vỉa hè, thi công ngầm hóa lưới điện và các tuyến ống cấp nước, thoát nước, phát quang đường dây diện, xâm hại cây xanh (cụ thể là hành vi đổ hóa chất vào gốc cây) làm giảm sức chống chịu của hệ rễ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngã đổ và ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống cây xanh của thành phố” – ông Phương nhận định.

Theo ông Lê Công Phương, việc đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây rất khó vì cây trong đô thị nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục ruỗng, có thể bật gốc do nhiều nguyên nhân, như khi bị ngập do triều cường, mưa giông, lốc xoáy…

Do đó, các cây xanh cần được duy tu chăm sóc, bảo dưỡng theo quy trình kỹ thuật: Cắt mé cành nhánh nặng tàn, nhánh vươn dài, nhánh xụ, rong chồi,… "Công tác kiểm tra, đánh giá cây xanh rất quan trọng, sẽ phát hiện những khiếm khuyết, hư hại cũng như những nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn… nhằm đưa ra giải pháp và xử lý kịp thời, hạn chế sự cố cây xanh xảy ra" - ông Phương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn