MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trách nhiệm của người lớn khi trẻ em nghiện game

Bạn đọc Phan Anh Thư LDO | 12/06/2020 17:30
Lại một vụ án mạng đau lòng xảy ra với em nhỏ 5 tuổi. Nguyên nhân được cho là thủ phạm bị ảo tưởng, muốn trở thành người hùng giải cứu nạn nhân như nội dung trong game.

Bé trai 5 tuổi H.T.V.Đ (xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tử vong theo xác định ban đầu là do đói khát khi bị nghi phạm Đ. N. H. - học sinh lớp 11 ở cùng xã - bắt mang đi giấu trong rừng cách nhà khoảng 10km.

Theo những lời khai ban đầu của H., đối tượng này nghiện game, bắt bé Đ. đi giấu vào rừng theo nội dung game trốn tìm, để sau đó đi tìm chuộc công. 

Chưa có con số thống kê chính xác cả nước có bao nhiêu vụ án mạng xảy ra từ việc nghiện game, càng không có con số bao nhiêu trẻ em đang nghiện trên phạm vi cả nước.

Người lớn có hoàn toàn vô can trong vụ việc nguy hại này hay chỉ trút hết mọi tội lỗi vào lớp trẻ?.

Đối diện nhà tôi là một gia đình lao động. Anh chồng chạy xe ôm từ sáng đến tối mới về đến nhà trong tình trạng say xỉn. Người vợ ở nhà may gia công và trông nom đứa con 5 tuổi.

Để đứa trẻ không quậy phá, chị chọn phương án cho nó chơi game cả ngày. Kể cả khi nó ăn cơm, đi vệ sinh cũng khư khư đem theo cái máy điện thoại để tranh thủ chơi game.

Buổi tối chị còn chơi game cùng con với tâm trạng vui mừng. Nhiều lần tôi sang khuyên bảo cách dạy dỗ, chăm sóc con như thế rất nguy hiểm, chị giận dỗi trả lời: "Biết làm gì khác bây giờ. Mặc kệ, tới đâu hay đó vậy".

Đem câu chuyện trên đến cơ quan kể lại, tôi càng bất ngờ và nghiệm ra rằng, trẻ nghiện game có lỗi một phần từ người lớn. Thế nhưng, xem trên truyền hình thì chẳng có bao nhiêu phim giành cho trẻ em mang nội dung bổ ích về giáo dục nhân cách sống, cách đối xử với người lớn?.

Trong khi chỉ cần một động tác lướt nhẹ trên điện thoại cảm ứng, bao nhiêu phim cũng có, từ bạo lực, hoang tưởng đến khiêu dâm.

Nêu thực trạng trên để thấy rằng, việc quản lý, kiểm tra, tư vấn trẻ em để chúng không nghiện game là vấn đề rất nan giải, đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía, quan trọng vẫn là phải gần gũi, tuyên truyền, giải thích để trẻ nhận thức sự nguy hiểm của các trò chơi, phim ảnh độc hại.

Cần “mềm hóa” các biện pháp giáo dục với phương thức “Mưa dầm, thấm lâu”; không “phụ họa” bằng cách tham gia các trò chơi mang tính bạo lực cùng với trẻ; giành thời gian chăm sóc, tâm sự với chúng về những điều tốt đẹp cần làm.

Cần tạo những việc làm nhẹ nhàng, bổ ích, thú vị, mới lạ khơi dậy sự ham thích, sáng tạo của trẻ để chúng giảm thiểu thời gian chơi game.

Các nhà quản lý phim ảnh, truyện, sách, báo thiếu nhi cần xem lại khâu sản xuất, phát hành, quảng bá tác phẩm của mình đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của các em hay chưa.

Nghiện game là mối lo chung của toàn xã hội và sẽ tiếp tục gia tăng nếu như người lớn buông lơi trách nhiệm của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn