MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhan nhản các hội, nhóm làm giả sổ đỏ, GCNQSĐ. Ảnh: Chụp màn hình.

Tràn lan dịch vụ làm sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả

LƯƠNG HẠNH LDO | 15/02/2023 12:02
Không cần mất quá nhiều thời gian, công sức chỉ cần lên mạng tìm kiếm và cung cấp thông tin cơ bản là phút chốc người cần đã có trong tay một bộ sổ đỏ hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “xịn”, khó phân biệt thật - giả.

Nhan nhản hành vi làm giả

Ngày 1.12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi phát thông báo đề nghị những ai bị Trà Thị Anh Thư (33 tuổi, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) lừa đảo, sử dụng sổ đỏ giả mua trên mạng, thế chấp, vay mượn để chiếm đoạt tài sản hãy liên hệ với cơ quan điều tra cung cấp thông tin.

Ngày 6.2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa có kết luận điều tra để truy tố Đặng Thị Mai Hương (SN 1989, trú phường Phước Long, TP.Nha Trang) về các hành vi: "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Lợi dụng việc hành nghề in và photocopy, Hương đã tự tay in màu, làm giả 4 quyển Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất và một số tài liệu liên quan, sau đó lần lượt đem thế chấp cho nhiều người, chiếm đoạt 11,3 tỉ đồng.

Mới đây nhất, ngày 11.2, Công an huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng dùng thủ đoạn đặt in và mua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) giả để thế chấp vay tiền, lừa đảo nhiều người.

Công an huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đang làm rõ các đối tượng lừa đảo vay tiền bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ.

Cụ thể, do vay tiền của nhiều người và không có khả năng trả nợ,  Phan Ngọc Linh (SN 1997, trú tại xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông) và Nguyễn Thị Tuyết (SN 1992, trú tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông) đã thống nhất với nhau làm giả GCNQSDĐ để cầm cố lấy tiền tiêu xài và trả nợ.

GCNQSDĐ giả mà các đối tượng đã sử dụng để vay tiền lừa đảo. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ.

Những vụ việc tương tự như trên xảy ra trước đó không ít. Nhiều đường dây làm giả sổ đỏ, GCNQSDĐ bị từng bị triệt phá, thế nhưng nhiều người vẫn vô tư mua – bán, sử dụng. Nhiều đối tượng từng vi phạm thờ ơ, xem nhẹ luật pháp để làm giả các loại giấy tờ này để hòng đạt các mục đích cá nhân.

"Tiền nào của nấy"

Không khó để tìm kiếm một địa chỉ làm giả sổ đỏ, GCNQSDĐ trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “Dịch vụ làm giả sổ đỏ”, “Làm sổ đỏ giả nhanh nhất”… hàng trăm kết quả hiện ra trong vòng vài giây.

Các tài khoản này ngang nhiên rao bán công khai dịch vụ trên hội, nhóm mạng xã hội và có bảng giá rõ ràng để người mua lựa chọn. Đính kèm các thông báo mua - bán là số điện thoại liên hệ, giá tiền từng loại giấy tờ, dịch vụ.

Trong vai một người cần sổ đỏ giả để làm thủ tục vay mượn ngân hàng, PV liên hệ đến một tài khoản Facebook có tên “Dịch vụ làm sổ đỏ giả uy tín”, ngay lập tức nhận được sự tư vấn nhiệt tình từ tài khoản này. 

Theo đó, mức giá mà PV phải trả là 3,5 triệu đồng cho một sổ đỏ “xịn”, giống y hệt sổ thật. Nếu muốn nhận ngay trong ngày, mức giá mà PV phải trả là 5 triệu đồng đã bao gồm chi phí vận chuyển.

Khi thắc mắc tại sao giấy tờ này lại có giá “chát” đến vậy, tài khoản này khẳng định: “Không ở đâu làm y như thật giống bên mình. Bạn cứ tham khảo các bên khác, bên mình làm cho nhiều khách lắm rồi. Nhiều khách làm chỗ khác không “thật” như chỗ mình nên phải quay lại. Tiền nào của nấy". 

Sau đó, để có thể nhận về tay một sổ đỏ “xịn”, PV phải cung cấp cho đối tượng này các thông tin cá nhân và phải cọc trước 50% số chi phí thực hiện. 

Cùng nhu cầu tương tự, PV tìm đến một tài khoản khác có tên “Cam kết làm sổ đỏ giả uy tín” thì được nhận báo giá là 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, PV phải chờ 2-3 ngày sau khi đặt mới nhận được hàng. Ở đây, PV không cần phải cọc trước chi phí, “Hàng đến tay chị kiểm tra thoải mái, trả tiền bọn em sau cũng được”- tài khoản này cho hay. 

Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống Luật sư X (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định việc làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, sổ hồng) là một hành vi vi phạm pháp luật.

 Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống Luật sư X. Ảnh: Nguyễn Đoàn

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai theo Khoản 3 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 314 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến phạt tù 05 năm.

Theo quy định tại Khoản 16, Luật Đất đai năm 2013: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. Tên dân gian thường gọi đó là Sổ đỏ, sổ hồng (theo màu sắc của giấy tờ).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn