MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng kiểm đếm số rượu không rõ nguồn gốc không nhãn mác xuất xứ. Ảnh Quản lý thị trường

Tràn lan rượu không rõ nguồn gốc

Minh Hạnh LDO | 12/03/2023 10:30

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ được gắn mác “rượu quê”, “rượu tự nấu”. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người dùng, rượu không rõ nguồn gốc còn làm "loạn" thị trường. Các chuyên gia cho rằng cần phải xử lý nghiêm đối tượng sản xuất, kinh doanh loại rượu này.

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 4-PC05 (Công an Hà Nội) kiểm tra điểm kinh doanh rượu thủ công tại phố Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phong Phát. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang bày bán 540 lít rượu màu thủ công nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bước đầu xác định hành vi vi phạm của cơ sở là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh rượu thủ công là hàng hóa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép bán lẻ rượu theo quy định pháp luật. Hiện lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây "thuốc" chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như: Ong đất, tắc kè, mật động vật các loại là khoảng 10%...

PGS. TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, đồ uống có cồn phi chính thức và bất hợp pháp luôn là vấn đề nhức nhối. Tại Việt Nam, lượng rượu phi chính thức nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất đang được tiêu thụ. Với xu hướng tiêu thụ vô cùng lớn như vậy, các sản phẩm phi chính thức sẽ gây ra nhiều tổn thất đáng kể về kinh tế, xã hội đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), từ đầu năm 2023 đến nay, Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa một số tỉnh, thành phố cho thấy đã ghi nhận nhiều trường hợp cấp cứu liên quan đến việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) cao.

Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm đề nghị lưu ý về công tác truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu.

Hiện nhiều trên mạng xã hội đang được rao bán rất nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu men lá giá chỉ 700.000 đồng/can 20 lít; nhiều loại rượu ngâm được quảng cáo "bổ thận tráng dương" với giá siêu rẻ...

Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, với rượu thông thường tinh khiết không ngâm, người khỏe mạnh khi uống quá nhiều cũng có thể nguy kịch sức khỏe. Nếu nhẹ thì người uống đau bụng nôn, xuất huyết tiêu hóa, nặng thì hôn mê, suy hô hấp tím tái. Nếu uống nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến xơ gan, viêm tụy… Người bệnh cũng rất dễ bị rối loạn kèm theo như xơ gan không bù trừ, rối loạn chuyển hóa, nhiều rối loạn khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn