MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tràn lan thông tin mua, bán sổ bảo hiểm xã hội trên mạng xã hội

LƯƠNG HẠNH LDO | 08/05/2023 15:42

Hoạt động mua, bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội tiếp tục tái diễn thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội facebook, zalo… Người lao động

chưa bán "non" được sổ để có tiền trang trải cuộc sống, ngược lại còn mất thêm tiền cho đối tượng lừa đảo. 

Mất thêm tiền khi muốn bán "non" sổ BHXH

Sau đại dịch COVID-19, nhiều người lao động bị giảm giờ làm, thậm chí bị mất việc. Họ tìm cách bán "non" sổ bảo hiểm xã hội để có tiền xoay xở, trang trải cuộc sống khi không có việc làm.

Từ đó, các hội, nhóm mua – bán sổ bảo hiểm xã hội nhan nhản xuất hiện trên mạng xã hội facebook, zalo. Chỉ cần gõ từ khóa “mua - bán sổ bảo hiểm xã hội” là có hàng chục hội, nhóm hiện ra trên thanh công cụ tìm kiếm.

Đáng nói, ngoài hoạt động mua – bán loại sổ này, nhiều bài viết của các nạn nhân bị lừa đảo vì lỡ tin tưởng đối tượng nhận chốt sổ với giá rẻ, nhanh chóng, tiện lợi cũng được đăng tải.

Chị T.H (Hà Nội) làm công nhân tại Khu công nghiệp Quế Võ I (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được 5 năm. Đó cũng là chừng ấy thời gian chị H được đóng bảo hiểm xã hội tại công ty. Chị H là một trong nhiều người lao động bị cắt hợp đồng lao động do công ty bị giảm đơn hàng kéo dài.

Không ít bài đăng cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo mua - bán sổ bảo hiểm xã hội. Ảnh: Chụp màn hình.

Bị mất việc trong khi con trai ốm đau, thường xuyên đến bệnh viện để chữa trị, vì vậy chị H đã đăng tải thông tin sổ bảo hiểm xã hội để rao bán. Theo chị H, ngay sau khi rao bán sổ tại facebook, nhiều đối tượng đã để lại bình luận, thậm chí nhắn tin trực tiếp vào facebook chị H để “chốt giá”.

“Cần tiền gấp, tôi liên hệ với đối tượng nhận mua sổ bảo hiểm xã hội với giá cao nhất. Đối tượng này hướng dẫn tôi kết bạn qua số điện thoại zalo và yêu cầu tôi chụp ảnh từng trang sổ bảo hiểm xã hội. Sau đó, đối tượng yêu cầu tôi đóng phí để làm hồ sơ nhanh là 1 triệu đồng, tôi cũng chuyển khoản ngay lúc đó” – chị H nhớ lại.

Tuy nhiên, ngay sau khi chị H chuyển tiền “phí làm hồ sơ”, đối tượng này tiếp tục yêu cầu chị H chuyển nốt "phí hoàn tất quá trình chốt sổ" là 900.000 đồng. Nghi ngờ hành động trên, chị H gọi video call nhằm xác minh đối tượng thì ngay lập tức bị chặn nick zalo, facebook và cả số điện thoại.

Đề nghị Cục An ninh mạng vào cuộc

Trước tình trạng một số đối tượng thu gom mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của người lao động nhằm trục lợi bất chính, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã liên tục cảnh báo người lao động nêu cao cảnh giác, tránh tiếp tay cho các hành vi nêu trên và phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý.

Mới đây nhất, ngày 6.5, Trung tâm Truyền thông (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã có công văn (kèm danh sách các đường link dẫn đến các trang/nhóm Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động để trục lợi) gửi Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên ở môi trường Internet.

Hoạt động mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm. Ảnh: Chụp màn hình.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội, như: Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động, sẽ kiểm soát, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống với thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội và đơn đề nghị, đảm bảo các thông tin của người hưởng thống nhất.

Cùng với đó, kiểm tra tính pháp lý của giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền; kiểm tra, đối chiếu đảm bảo đủ điều kiện giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo đúng quy định hiện hành; đảm bảo trả hồ sơ, trả tiền đúng cho người lao động hoặc người được ủy quyền hợp pháp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn