MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc cần tính ngay phương án 350km/h hay phải bắt đầu từ 160-200km/h. Ảnh TK

Tranh cãi kịch liệt đường sắt cao tốc Bắc-Nam: 350km/h hay 200km/h?

Bằng Linh LDO | 04/04/2021 10:17

Với các phương án về tốc độ của dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó cũng có ý kiến rằng hãy nghiên cứu cả phương án chạy 500km/h như các nước đang triển khai để tránh lạc hậu.

350km/h: Không thể?

Bạn đọc Nguyễn Gia Vinh cho rằng với năng lực về kỹ thuật và vốn của ta, nếu tiến hành xây dựng đường sắt 350km/h chắc chắn sẽ phá sản và dẫn ra bài viết của mình.

Ban đọc này nêu ý kiến: Việc xây mới một tuyến đường khổ 1,435m với vận tốc trung bình 160 - 200km/h, chi phí 26 tỉ USD (theo Bộ KH&ĐT), để vận tải cả hành khách và hàng hóa là hết sức cần thiết, phù hợp với khả năng nền kinh tế và đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trong hiện tại và cả trong tương lai. Trong vòng 10 năm xây dựng và đưa vào vận hành tuyến xương sống Hà Nội - TPHCM 1.600km với chi phí 26 tỉ USD, 20 năm tiếp theo xây dựng từng tuyến nhánh tùy thuộc vào yêu cầu vận tải và khả năng huy động vốn. Sau 30 năm nữa nếu kinh tế phát triển có đủ khả năng, ta đầu tư xây các tuyến cao tốc chỉ chuyên chở khách với vận tốc 500km/h như Nhật Bản hiện nay đang thử nghiệm, chứ không phải chỉ 350km/h. Lúc đó, ta đã có đủ lực và kỹ thuật nên thời gian thi công cũng rất nhanh, đưa vào sử dụng nhanh, vốn đầu tư sẽ có hiệu quả hơn. Với đường sắt 350km/h, chưa tính trong 30 năm đó nếu trượt giá 6%/năm, không kể đội vốn vì những lý do khác thì khi hoàn thành, tổng mức đầu tư sẽ lên gần 100 tỷ USD”.

Bạn đọc Gia Vinh cũng băn khoăn về một vấn đề khác: Giá vé. “Nếu giá vé đường sắt cao tốc TPHCM- Cần Thơ chỉ 130km nhưng dự kiến 500.000 đồng/vé, vậy 1.500km sẽ là 5 triệu đồng, ai đi”.

Quy hoạch đường sắt từ nay tới 2050.

Bạn đọc Vũ Văn Cường nêu ý kiến: “Mục tiêu của đường sắt là vận chuyển hàng hoá và người. Vận chuyển hàng hoá là yếu mạch giúp hệ thống cảng và logistic phát triển. Vận chuyển người là nhiệm vụ quan trọng tương đương. Trong khi vận chuyển người còn có hàng không tham gia thì vận chuyển container kết nối các địa phương bắc nam bắc nam và hệ thống cảng biển hầu như bỏ ngỏ. Nên xét về bức thiết vận chuyển hàng hoá đó là nhiệm vụ bức thiết hơn của đường sắt”.

Bạn Phi Tiến Nam nhận định: “Bây giờ chưa cấp bách, để sau này con cháu ta làm, cái này người ta làm rồi, có tiền là được. Hiện tại tôi không tin, sợ chậm chễ và thất thoát hàng chục tỉ đô”.

Phải tính đường xa, làm ngay đường sắt tốc độ 350Km/h để đón đầu công nghệ

Ngược lại, có khá nhiều ý kiến đồng thuận với việc cần tính đầu tư đường sắt cao tốc Bắc- Nam ở tốc độ 350km/h bỏ qua giai đoạn phát triển tốc độ 160-200km/h.

Bạn đọc Nguyễn Phú Sinh bình luận đường sắt 160-250km/h là tư duy lạc hậu. Những gì mình yếu kém thì phải khắc phục, đường sắt mình đang 60km/h thì người ta đã 600km/h. Bây giờ còn ngồi so sánh nên chọn phương án 160 hay 350km/h thì ngàn năm sau cũng đi sau thế giới. Bao giờ mới sánh vai với cường quốc năm châu".

Bạn Lê Ngọc Tú nêu ý kiến: “Tôi ủng hộ phương án xây mới tuyến đường sắt cao tốc 350 km/h chỉ chở khách. Chỉnh sửa lại đường sắt hiện tại chở hàng hóa. Chú ý quản lý chặt, tính toán kỹ. Nên nhớ công trình đường sắt cao tốc là xây cho cả các thế hệ con cháu mai sau, thời gian tồn tại của nó lên đến hàng trăm năm, do đó ưu tiên chọn công nghệ mới là đang đi đún hướng, tránh bị tụt hậu".

200km/h hay 350km/h?

Theo bạn nên theo phương án nào, hãy bình luận cùng Lao Động ở phần dưới bài viết.

1032

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn