MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An, nơi nam sinh Lê Khánh Tùng vừa tốt nghiệp. Ảnh: HĐ

Tranh cãi nên đi du học hay học đại học ở trong nước?

QUANG ĐẠI LDO | 11/08/2022 13:46

Sự việc một nam sinh ở Nghệ An được nhiều trường đại học ở nước ngoài có thư mời nhập học và cam kết tài trợ học bổng nhưng em này lựa chọn học đại học trong nước, đang làm dấy lên tranh cãi nên cho con đi du học hay học đại học tại Việt Nam.

Dư luận đang xôn xao về trường hợp nam sinh Lê Khánh Tùng (lớp 12A7, Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An) đã nhận được 113 thư mời của các trường đại học (ĐH), cao đẳng trên thế giới, trong đó 72 trường đồng ý cấp học bổng cho em.

Với giải Ba học sinh quốc gia môn tiếng Anh và chứng chỉ IELTS 8.0, Lê Khánh Tùng đã nhận được kết quả trúng tuyển vào 4 trường ĐH: Ngoại thương Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao và ĐH Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội. Mặc dù nhận được nhiều thư mời nhập học và học bổng từ nhiều trường ĐH, cao đẳng uy tín từ nước ngoài nhưng Lê Khánh Tùng lại quyết định chọn học ngành sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ.

Thông tin nói trên gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến tiếc cho Khánh Tùng, bởi vì du học đang là mơ ước của nhiều người, Khánh Tùng có năng lực, lại được học bổng sao lại bỏ qua cơ hội quý giá này.

“Dù chất lượng đào tạo của các trường ĐH trong nước đã nâng lên nhiều, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các trường ĐH danh tiếng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Châu Âu. Ai cũng mong con được đi du học, nhưng cơ hội chỉ dành cho những học sinh xuất sắc hoặc gia đình có điều kiện kinh tế khá giả” – thầy Nguyễn Văn Thành (Hà Tĩnh) chia sẻ.

Anh Trần Thanh Tùng (TP Vinh- Nghệ An) hiện đang du học ở một trường ĐH tại Mỹ cho biết: “Không chỉ khác biệt về nhiều mặt, du học ở Mỹ và Châu Âu, Nhật Bản... còn có cơ hội được làm việc và thăng tiến tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, tiếp cận với công nghệ tiên tiến và môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. Đương nhiên về ngoại ngữ thì môi trường giao tiếp, học tập bắt buộc phải sử dụng thành thạo”.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân, tiến sĩ ở nước ngoài, người học có thể làm việc lâu dài ở nước ngoài hoặc về nước, làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, hoặc hoạt động kinh doanh, thi tuyển vào bộ máy hành chính sự nghiệp.

Từ thực tế trên, một số ý kiến băn khoăn về khả năng em Lê Khánh Tùng do không “săn” được học bổng toàn phần nên phải lựa chọn học ĐH trong nước.

Bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến cho rằng hiện nay một số chuyên ngành đào tạo của một số trường ĐH trong nước đã rút ngắn khoảng cách, tiệm cận với trình độ khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, các trường ĐH trong nước có các chương trình liên kết, hỗ trợ đào tạo với các trường ĐH nước ngoài, do đó cơ hội để sinh viên rèn luyện nâng cao trình độ và kỹ năng ngày một tốt hơn.

Mặt khác, nhiều sinh viên về học lực có thể theo học ĐH ở nước ngoài nhưng điều kiện kinh tế gia đình không cho phép.

“Thực tế nói trên cho thấy du học vẫn đang là giấc mơ thường trực của các gia đình, và khát vọng về những trường ĐH Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế ngày càng cháy bỏng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các trường ĐH, cũng như sự hỗ trợ từ nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội” – cô giáo Phan Thị Thủy (Quảng Trị) chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn