MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân xã Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) băn khoăn sau khi sáp nhập, đổi tên xã. Ảnh: Đinh Đại

Tranh cãi quanh chuyện đặt tên xã sau sáp nhập ở vùng cao Yên Bái

Đinh Đại - Phan Kiên LDO | 11/04/2024 13:03

Nhiều hộ dân tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho rằng việc lấy tên địa danh sau sáp nhập chưa phù hợp và ảnh hưởng đến cuộc sống bà con.

Bất ngờ về thông tin "nhất trí cao"

Phản ánh đến Báo Lao Động, người dân xã Đào Thịnh cho biết - việc đổi tên xã sang Thành Thịnh sau khi sáp nhập với xã Việt Thành đang xáo trộn cuộc sống của họ.

Trước đó ngày 4.4, tại Kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) - HĐND huyện Trấn Yên khóa XXI đã nhất trí cao việc sáp nhập xã Đào Thịnh với xã Việt Thành thành xã Thành Thịnh.

Theo báo cáo, việc lấy ý kiến cử tri tại các địa phương thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.

Theo chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, xã Việt Thành và xã Đào Thịnh sẽ gộp làm một. Ảnh: Đinh Đại

Theo người dân nơi đây, họ khá bất ngờ trước thông tin "nhất trí cao sau khi đổi tên sáp nhập xã".

Ông Trần Xuân B (70 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu tại xã Đào Thịnh) cho biết: “Gia đình chúng tôi hoàn toàn tán thành đề án của UBND huyện Trấn Yên đưa ra ngày 4.2 khi để tên hai xã sau khi sáp nhập là Đào Thịnh và trụ sở làm việc đặt tại xã Việt Thành.

Nhưng đến ngày 31.3, chúng tôi lại được họp báo và nghe quán triệt việc lấy tên mới là Thành Thịnh. Chúng tôi thấy lạ là sao việc đổi tên xã lại diễn ra nhanh vậy trong khi dân chưa được biết và thảo luận mà đã yêu cầu phải đồng ý với tên xã mới”.

Một mẫu lấy ý kiến về tên xã của người dân. Ảnh: Đinh Đại

Theo ông B, sau khi có thông báo về việc lấy tên xã là Thành Thịnh, chính quyền đã cho người đến từng hộ để xin ý kiến về cái tên mới này nhưng gia đình ông không đồng ý.

“Anh em trong gia đình tôi đã bất hòa, cãi nhau liên miên vì người tán thành, người phản đối. Thậm chí còn đòi từ mặt nhau chỉ vì gia đình tôi không đồng ý với tên xã mới”, ông B bức xúc.

Nhiều chuyện bi hài sau khi đổi tên xã mới. Ảnh: Đinh Đại

Chị Lê Thị T (thôn 6, xã Đào Thịnh) cũng rơi vào hoàn cảnh không kém phần bi hài khi bị những hộ dân ở thôn khác chỉ trích vì cho rằng ban đầu phản đối về sau lại đồng ý.

“Chính quyền đến gia đình tôi vận đồng chứ tôi chưa ký vào giấy tờ nào cả”, người phụ nữ này khẳng định.

Mong được bỏ phiếu công khai

Còn theo bà Vũ Xuân D, xã Đào Thịnh là nơi phát hiện "Thạp đồng Đào Thịnh" có niên đại hàng nghìn năm. Bảo vật này gắn liền với lịch sử và văn hóa của đất nước. Vì vậy, người dân chỉ muốn giữ lại tên xã, giữ lại một phần lịch sử để thế hệ sau được biết.

"Nhà văn hóa được chúng tôi đóng góp xây dựng khang trang nhưng sao lại không cho mọi người đến bỏ phiếu mà lại đến từng nhà lấy ý kiến", bà D thắc mắc.

Một số hộ dân khác cũng chia sẻ - mọi người đều ủng hộ chủ trương hợp nhất xã Việt Thành và xã Đào Thịnh làm một. Nhưng việc đặt tên xã mới cho đến thời điểm hiện tại đã sinh ra nhiều vướng mắc như làm thủ tục đổi giấy tờ, quê quán...

Bảo vật Quốc gia - Thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện tại bờ sông Hồng thuộc xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái năm 1960. Ảnh: Thế Dương

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Lúc trước, chúng tôi thử dự thảo giữ nguyên tên là Đào Thịnh, rất nhiều người dân xã Việt Thành đã không đồng thuận. Tuy nhiên khi để là Việt Thành thì người dân Đào Thịnh cũng không đồng ý.

Hiện nay có khoảng 65% người dân của xã Đào Thịnh đồng ý và 100 % người dân Việt thành nhất trí với cái tên mới này”.

Sau khi sáp nhập, trụ sở xã sẽ đặt ở Việt Thành, do vậy, người dân mong muốn giữ tên xã Đào Thịnh. Ảnh: Đinh Đại

Theo ông Thư, chính quyền luôn tiếp thu ý kiến của nhân dân thông qua các cuộc họp hoặc dự thảo để điều chỉnh sao cho phù hợp. Nhưng việc bất đồng ý kiến là không thể tránh khỏi.

“Khi xét tên xã, chính quyền cũng đã cân nhắc rất nhiều yếu tố, trong đó có cả văn hóa và lịch sử. Nhưng "Thạp đồng Đào Thịnh" lại không phải yếu tố cuối cùng để xét chọn tên. Đây cũng không phải là căn cứ mà chỉ là một yếu tố để tham khảo”, ông Thư thông tin.

Tại Hội nghị giao ban báo chí quý I/2024 ngày 10.4, bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là một chủ trương lớn nhằm tinh giảm bộ máy hành chính và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh sẽ chỉ đạo để tháo gỡ những những khó khăn của người dân trong việc thay đổi giấy tờ sau khi sáp nhập, đổi tên xã”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn