MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm. Ảnh minh hoạ: Phong Trần

Tranh cãi về đề xuất cắt điện, nước để xử vi phạm hành chính chây ỳ

M.Hương LDO | 23/05/2020 16:00

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án luật bổ sung biện pháp cưỡng chế mới trước Quốc hội chiều 22.5 là "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ". Dư luận đưa ra nhiều quan điểm liên quan đến đề xuất này.

Cụ thể, chiều 22.5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Dự án luật trước Quốc hội, cho biết việc thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để, còn một số lượng không nhỏ quyết định chưa được chấp hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Tờ trình đưa ra 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” và dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này. 

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý xử lý vi phạm hành chính.

Trình bày thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề này hiện còn những ý kiến khác nhau.

Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính.

Với đề xuất này, bạn đọc đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau.

Bạn Phạm Thường cho biết: "Tôi là người dân, tôi đồng tình với những quyết định "nặng tay", như trong trường hợp này là cắt điện, nước. Nếu chúng ta muốn có điện, nước đầy đủ thì đừng vi phạm. Ý thức con người không tự nhiên sinh ra mà nó trải qua quá trình học tập, lao động và sự tiến bộ của xã hội".

Bạn Phạm Tuấn Anh bày tỏ: "Tôi đồng tình điều này áp dụng cho việc xây dựng trái phép. Không có điện nước sử dụng, lâu thành chán họ cũng phải tự đập bỏ thôi vì bán không ai mua, cho không ai lấy, ở thì không được".

Đồng quan điểm, bạn Đỗ Anh Tuấn viết: "Tôi thích nặng tay, càng nặng càng tốt vì tính răn đe cao người ta mới sợ. Tôi chỉ hỏi đơn giản: vi phạm hành chính có giấy phạt tại sao không đi đóng? thời hạn đóng luôn ít nhất vài ngày đến vài tuần chứ không phải kêu đột xuất là phải đi đóng, tại sao lại cù nhây không chịu đi?, rồi khi đi lại viện lý do thế này thế kia mong thông cảm".

Bạn Thơ Phạm cho hay: "Việc nào ra việc nấy. Chây ỳ việc gì thì xử việc đó, xây dựng, sản xuất, kinh doanh thì xử theo luật. Không nên dùng biện pháp cắt điện, nước để xử vi phạm hành chính".

"Nghe qua thì thấy quy định này khá hợp lý, có thể xem xét. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn các trường hợp đc phép cắt điện nước, tham khảo thêm quy định ở các nước khác" - bạn Hải Yến chia sẻ.

Bạn Minh Hạnh bày tỏ: Là người dân và cũng là người tiêu dùng, tôi không đồng tình với đề xuất trên. Nếu có bất kỳ tranh chấp nào, yêu cầu dùng phương pháp văn minh là ra tòa. Mọi việc tranh chấp phải được giải quyết tại toà án. Nếu tòa chưa ra phán quyết thì thì không được cắt điện, nước sinh hoạt của người dân".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn