MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Luyến bức xúc khi không được vào vườn sầu riêng mùa thu hoạch. Ảnh: Thanh Tuấn

Tranh chấp giấy viết tay, nông dân ở Gia Lai khóc bên vườn sầu riêng rụng

THANH TUẤN LDO | 29/05/2024 10:25

Hơn 3 năm trời bỏ mồ hôi nước mắt chăm sóc nương rẫy, vườn sầu riêng, vợ chồng ông Hà Văn Luyến (trú thôn Bản Tân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cay đắng, tức tưởi vì không được vào vườn thu hoạch quả để bán cho thương lái. Nguyên nhân là do tranh chấp từ một hợp đồng thỏa thuận thuê đất bằng giấy viết tay.

Đứng bên cánh cổng bằng sắt ngăn đường vào rẫy cà phê, bơ, sầu riêng đang mùa thu hoạch, ông Hà Văn Luyến (58 tuổi) rưng rưng nước mắt. Hơn một tuần nay, chủ đất làm cổng sắt cấm người ngoài ra vào, thương lái đến thu mua sầu riêng cũng không bán được. Vợ chồng ông nghẹn ngào nhìn từng quả sầu rơi rụng trên đất đỏ bazan.

Vào năm 2020, ông Luyến và ông B.X.T (trú tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) ký hợp đồng bằng giấy viết tay, nội dung thỏa thuận thuê đất rẫy 2,5ha với thời hạn 7 năm (từ 2020-2027). Giá trị thuê đất 50 triệu đồng/năm.

Ông Luyến cho biết: “Thời điểm đó, khu đất rẫy hoang hóa, cây cối cằn cỗi, bản thân là người nông dân lao động, vợ chồng tôi đã đổ công sức, vay vốn ngân hàng mua phân bón, điện nước đầu tư vào vườn cây. Đến khi vườn xanh tươi, màu mỡ và trái sầu riêng đang được thu mua giá cao thì chủ đất bỗng nhiên… lấy lại vườn cây, với lý do cần bán đất để lo việc gia đình”.

Khu đất rẫy sau thời gian được chăm sóc phát triển tươi tốt, cây cối có giá trị, năng suất cao. Ảnh: Thanh Tuấn

Vì đặt niềm tin vào ông T. là chủ đất đầu tiên cho thuê đất làm rẫy thời hạn 7 năm nên lão nông Hà Văn Luyến mới đầu tư chi phí trồng hơn 1.000 cây cà phê, ngày đêm chăm sóc, tưới tắm cần mẫn cho hàng chục cây sầu riêng, bơ, bời lời, hồ tiêu để mong chờ ngày hưởng thành quả lao động.

“Có thể vì giá cà phê, sầu riêng đang lên cao nên mới nảy sinh chuyện tranh chấp. Nhưng hoa lợi, thành quả trên đất là do bàn tay lao động của tôi tạo ra. Phải để gia đình tôi thu hoạch hoa lợi, tài sản trên đất theo như bản hợp đồng thỏa thuận, đó mới là lẽ phải và công bằng”, ông Luyến bức xúc nói.

Trong nương rẫy, sầu riêng, bơ đang dần rơi rụng nhưng trớ trêu chủ đất lại không dám lấy làm của riêng, còn người thuê đất là ông Luyến thì bị ngăn cấm không được vào rẫy thu hoạch.

Nông dân Hà Văn Luyến bên cánh cửa sắt ngăn vào thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Thanh Tuấn

Tháng 5.2023, Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai tiến hành phiên hòa giải giữa bên chủ đất và người thuê là ông Luyến. Theo đó, chủ đất đồng ý bồi thường cho người thuê 100 triệu đồng và người thuê phải trả lại toàn bộ diện tích đất thuê. Chủ đất cũng đồng ý bồi thường số tiền công mà ông Luyến chăm sóc đối với số cây trồng cũ và cây trồng mới kể từ năm 2022 đến nay.

Tuy nhiên, ông Luyến không đồng ý và muốn tiếp tục hợp đồng thuê đất theo thỏa thuận đến hết năm 2026 hoặc ít nhất là để gia đình được thu hoạch hết mùa sầu riêng hiện tại rồi mới chấm dứt hợp đồng.

Ngày 29.5, trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Văn Nhiều – thẩm phán TAND huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Sắp tới đây sẽ có phiên hòa giải giữa chủ đất và người đi thuê. Đang mùa sầu riêng thu hoạch, tôi đã gọi điện trực tiếp cho chủ đất mở cửa cho ông Luyến vào thu hoạch sầu riêng tránh bị rơi rụng, giải quyết cái tình trước đã. Còn việc tranh chấp, bồi thường hợp đồng thì sẽ giải quyết sau”.

Theo biên bản định giá tài sản của TAND huyện Chư Prông lập, giá trị tài sản trên đất gồm: cà phê, sầu riêng, bơ, bời lời, mãng cầu, hồ tiêu… là hơn 1,115 tỉ đồng. Còn hiện nay với giá sầu riêng cao như giá thị trường (sầu riêng Thái giá 60.000 – 65.000 đồng/kg), số tiền định giá cũng sẽ cao gấp nhiều lần.

Vì một mảnh giấy viết tay và chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án, người nông dân đi thuê đất mưu sinh chỉ biết khóc khi nhìn trái sầu rụng rơi trong cơn sốt của thị trường nông sản…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn