MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tránh để trở thành con mồi tiềm năng của đối tượng lừa đảo

LƯƠNG HẠNH LDO | 21/02/2023 08:20

Tình trạng giả mạo công ty tài chính, công an, nhân viên bưu điện… để đòi nợ diễn biến ngày càng tinh vi hơn. Người dân cần biết bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ tài khoản ngân hàng để tránh trường hợp trở thành những con mồi tiềm năng của các đối tượng lừa đảo. 

Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống Luật sư X (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng việc giả mạo cá nhân, tổ chức để đòi những khoản tiền khoản nợ không có thật là một hành vi vi phạm pháp luật. Đây có thể nói là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay theo quy định của pháp luật đối với hành vi lừa đảo với mục đích chiếm đoạt tài sản mức phạt như sau:

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi mạo danh người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và bị trục xuất nếu người vi phạm là người nước ngoài.

Ngoài ra đối với tài sản có giá trị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi và bổ sung năm 2017:

Đối với tài sản có giá trị từ 2.000.000 đến dưới 50.000.000 hoặc dưới 2 triệu nhưng đã bị xử phạt hành chính khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đối với tài sản giá trị từ 50.000.000 đến dưới 200.000.000 có thể bị áp dụng khung hình phạt tù từ 02 đến 07 năm.

Đối với tài sản giá trị từ 200.000.000 đến dưới 500.000.000 có thể bị áp dụng khung hình phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Tài sản có giá trị từ 500.000.000 khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù hoặc khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Nhiều người bỗng trở thành đối tượng quỵt nợ chỉ bằng vài thao tác cắt ghép ảnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Tùy vào từng trường hợp với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà mức xử phạt sẽ khác nhau" -  vị luật sư nhận định.

Theo luật sư này, để không trở thành nạn nhân của các vụ chiếm đoạt tài sản qua hình thức đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền, người dân cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không để lộ hoặc cung cấp bất cứ thông tin cá nhân gì của mình cho những đối tượng lạ mặt chưa rõ thông tin cá nhân cụ thể.

Trong trường hợp bị mất giấy tờ tùy thân, việc đầu tiên là cần nhanh chóng thông báo với các cơ quan có thẩm quyền.

Nếu bị các đối tượng đe dọa, yêu cầu thanh toán các khoản nợ mình không hề vay, cần sớm trình báo sự việc đến cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý với người lấy cắp thông tin.

Nâng cao ý thức tự đề phòng và cảnh giác trước mỗi yêu cầu giao dịch chuyển khoản thông qua mạng.

 Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống Luật sư X. Ảnh: Nguyễn Đoàn. 

Trong trường hợp người dân bị ghép ảnh bôi nhọ lên mạng xã hội thì nên bình tĩnh đăng các bài thông báo cho bạn bè, người thân biết để nắm tình hình, cùng chung tay ngăn chặn việc làm của các đối tượng xấu.

Đặc biệt, khi có điện thoại hay tin nhắn khủng bố thì không nên nghe hay trả lời. Tuyệt đối tránh để lộ thêm thông tin cá nhân.

"Nếu người dân trả lời tin nhắn hoặc nghe mọi cuộc gọi, các đối tượng này sẽ coi đó là con mồi tiềm năng để chúng khai thác. Người dân cũng đừng vì lo sợ mà chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng" - Luật sư Nguyễn Đoàn nhấn mạnh. 

Ngoài ra, nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo thì phải lưu lại các thông tin để trình báo với cơ quan điều tra. Trường hợp các đối tượng chuyển nhầm tiền vào tài khoản rồi đòi tiền theo kiểu xã hội đen, đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để buộc phải giao tài sản thì cần phải lưu lại chứng cứ và trình báo cho cơ quan điều tra; tuyệt đối không tự ý chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn