MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh luận trái chiều tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 100%

LƯƠNG HẠNH LDO | 06/06/2023 11:35

Nhiều trường đại học công bố tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp lên đến 100%. Bạn đọc bày tỏ quan điểm trái chiều trước công bố này. 

Mới đây, ở khối các trường đại học ngoài công lập, Trường Đại học Hoa Sen công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (năm 2021) có việc làm sau một năm của 4 khối ngành đều trên 94% (trong đó khối ngành III tỉ lệ 97,8%). 

Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cũng công bố hơn 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm (trong đó có 3 ngành: kế toán, luật kinh tế, ngôn ngữ Trung Quốc tỉ lệ 100%). Theo thông tin từ Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, hơn 94% sinh viên ra trường có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp.

Tương tự, các trường đại học công lập cũng công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm rất ấn tượng. Tháng 1.2023, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố báo cáo kết quả khảo sát cựu sinh viên sau một năm tốt nghiệp đạt tỉ lệ 97,31% (số liệu đã bao gồm chưa có việc làm vì phải học nâng cao); chỉ có 1,73% đã xin việc nhưng chưa có việc làm. 

Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm trên tổng số 2.055 sinh viên phản hồi khảo sát việc làm của trường là 92,65%. Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố tỉ lệ có việc làm trên tỉ lệ phản hồi 92,84% (1.038 sinh viên).

Đáng chú ý, theo báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp khảo sát năm 2022 của Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, tất cả 2.047 sinh viên 14 ngành đều có việc làm, đạt tỉ lệ 100% (tỉ lệ sinh viên phản hồi khảo sát là 100%). 

Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cũng có 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm (trong số sinh viên phản hồi).

Trước những công bố trên, nhiều bạn đọc cho rằng cách khảo sát của các trường đang thực hiện không ổn, số liệu không thực chất.

Bạn đọc Hoài Lê thắc mắc: "Sinh viên tốt nghiệp về quê làm ruộng cũng gọi là có việc làm? Học kế toán ra trường làm lễ tân khách sạn thì có gọi là có việc làm không? Cần có quy định rõ ràng là làm đúng chuyên ngành đã được đào tạo tại trường mới là có việc làm".

Bạn đọc giấu tên nhấn mạnh thêm: "Việc làm nên được tính bằng những công việc có hợp đồng lao động và người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội rõ ràng. Các trường đại học cần phải tính việc làm đúng ngành nghề".

"Các con số thống kê chưa đáng tin cậy. Trường đại học là nơi tập trung những người có trình độ cao mà lại có số liệu báo cáo không chuẩn xác thì biết còn tin vào đâu?" - bạn đọc Nguyễn Hải bày tỏ. 

Bày tỏ quan điểm trái ngược, bạn đọc Trường Kiệt cho hay: "Có việc làm khác với chuyện làm đúng ngành học, học đại học hay học nghề hay học cao đẳng hay học phổ thông gì cũng hướng tới mục đích là kiếm sống. Bất kỳ ai có hợp đồng lao động (dù là giao kết miệng) cũng là có việc làm. Tại sao sinh viên học đại học ngành du lịch, ngành cơ khí... ra làm tài xế lại không coi là có việc trong khi họ có hợp đồng lao động, có thu nhập và đóng thuế thu nhập cá nhân? Học ngành công nghệ thông tin về làm vườn, làm ruộng... đều rất bình thường tại sao bị coi là không có việc?".

"Chạy xe ôm, bưng bê cũng là nghề lương thiện để kiếm sống; thậm chí thu nhập có thể cao hơn cử nhân làm trong 1 doanh nghiệp. Không ít bạn trẻ khởi nghiệp từ các quán cà phê, quán ăn nhỏ và thành công. Việc làm nào cũng đáng được trân trọng, miễn là bằng sức lao động của mình. Tôi thấy nhiều bạn chức danh như chuyên viên tuyển dụng/nhân viên kinh doanh... nhưng công việc rất mông lung, thu nhập bấp bênh, không bằng các bạn làm bưng bê, chạy xe ôm công nghệ. Suy cho cùng, không có công việc lương thiện nào đáng bị coi thường" - bạn đọc Định Thường chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn