MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Phương Ngân

Tranh luận về các phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024

Mạnh Cường LDO | 28/09/2023 16:28

Bộ Nội Vụ thống nhất phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024 từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng. Phương án này được người lao động đưa ra nhiều quan điểm trái chiều.

Trao đổi với PV ngày 27.9, anh Trần Đức Kiên (42 tuổi) - nhân viên kỹ thuật tại quận Đống Đa, Hà Nội - chia sẻ, anh chỉ cần nghỉ trước Tết 2 ngày nhưng muốn nghỉ muộn đến 15 tháng Giêng mới đi làm.

Lý do được anh Kiên chia sẻ vì nhà ở quê cách Hà Nội không quá xa, bắt xe rất tiện nên 2 tiếng đã về đến nơi. Nếu xe khách quá tải, anh sẽ về bằng xe máy. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm, mọi người thường có thói quen bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị đồ điện nên đây cũng là lúc anh Kiên kiếm được nhiều tiền hơn. Sau Tết gần như phải 15 tháng Giêng mới có việc làm trở lại.

Cuối năm, anh Đức Kiên muốn làm thêm đến sát Tết để tăng thu nhập. Ảnh: NVCC

Anh Kiên cho biết, việc mua sắm bánh kẹo, chuẩn bị cho ngày Tết bây giờ cũng không còn cập rập và khó khăn như trước. “Bánh kẹo đặt trước sẽ có người mang đến tận nơi. Đồ tươi sống cũng chỉ cần mua cho ngày 30 và mùng 1, mùng 2 ra chợ đã có người bán nên không phải mua nhiều tích trữ” - anh Kiên chia sẻ.

Chia sẻ với Lao Động ngày 28.9, chị Nguyễn Thị Thuận (28 tuổi) - công nhân tại Nam Định - cũng đồng tình với phương án nghỉ Tết từ 29 tháng Chạp. Cùng quan điểm với anh Kiên, chị Thuận cho rằng, việc sắm Tết bây giờ không phải vấn đề lo lắng nhất, điều mà công nhân quan tâm chính là thu nhập và thưởng Tết.

Theo chị Thuận, các cửa hàng đều có chính sách đặt hàng trước. Giữa tháng Chạp, nữ công nhân sẽ ra đặt mua các đồ dùng, bánh kẹo cần thiết cho ngày Tết, cửa hàng sẽ tự đóng thùng, gần Tết người mua chỉ cần ra thanh toán và mang về. Dọn dẹp nhà cửa, cả nhà cùng làm cũng chỉ mất nửa ngày là xong.

Lý giải về lo lắng thu nhập và tiền thưởng Tết, chị Thuận cho rằng, nghỉ nhiều nhưng vẫn chỉ được hưởng lương 5 ngày, các ngày còn lại không có lương. Gần Tết ít việc nên làm khá nhàn mà vẫn có thu nhập. Thêm nữa, bây giờ năm nào cũng được nghỉ dài ngày dịp 30.4 - 1.5 và Quốc khánh 2.9 nên chị ít mặn mà hơn với nghỉ Tết như ngày trước.

“Cuối năm, tiền thưởng Tết nhiều mới vui, nghỉ Tết nhiều ngày hay nghỉ sớm mà không có tiền thì cũng lo lắm” - chị Thuận nói.

Ngược lại với những lao động làm ở quê, gần nhà, nhiều người lao động xa quê mong được nghỉ Tết sớm từ ngày 28 thậm chí là 27 tháng Chạp.

Chị Lê Thị Tâm (28 tuổi) chia sẻ với PV ngày 28.9 - nhân viên marketing tại quận Hà Đông, Hà Nội - cho hay, vì nhà ở xa nên muốn nghỉ Tết bắt đầu từ ngày 28 Tết để tiện bắt xe về quê. Quê chị Tâm ở Thanh Hóa, di chuyển từ Hà Nội về hết 3,5 tiếng. Năm ngoái, nữ nhân viên về quê sáng 29 Tết nhưng tắc đường đi 7 tiếng mới về đến nhà.

Chị Lê Thị Tâm mong nghỉ Tết sớm hơn để tiện bắt xe, di chuyển về quê. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, giữa 2 phương án nghỉ Tết là 29 và 30 tháng Chạp, chị Tâm vẫn muốn nghỉ sớm hơn 1 ngày. Chị cũng có tính toán riêng cho mình: “Năm nay, nếu công ty vẫn quy định nghỉ Tết từ ngày 29 như năm ngoái, tôi sẽ xin về sớm 1 ngày. Năm ngoái về đến nhà là chiều 29 trong tình trạng mệt mỏi, vất vả” - chị Tâm cho hay.

Làm việc tại Đồng Nai nhưng quê tận Nam Định nên chị Phạm Thị Lý (37 tuổi) cũng muốn được nghỉ Tết sớm. Trao đổi với Lao Động ngày 27.9, chị Lý cho rằng nên nghỉ từ ngày 27 Tết là hợp lý nhất. Bởi vì thời gian đi xe khách kéo dài hơn 30 tiếng. Bắt xe từ sáng 27 Tết, về đến nhà cũng đã tối 28 tháng Chạp.

Hai ngày còn lại, chị Lý tranh thủ thăm hỏi người thân, hàng xóm, mua sắm bánh kẹo, đồ dùng ngày Tết, mua quần áo cho con cái và cha mẹ. Theo chị Lý, về nghỉ Tết càng sớm, đặt vé xe hay mua thứ gì cũng rẻ hơn sát Tết.

Bạn đọc có quan điểm về các phương án nghỉ Tết xin gửi về email tòa soạn: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn