MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh luận về đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần

Minh Phương LDO | 14/06/2021 07:00
Thay vì rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần sẽ được từ 1,5 - 2 tháng lương tính đóng như hiện hành, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất giảm chỉ còn 1 tháng lương. Bạn đọc cùng chuyên gia đã có nhiều ý kiến xoay quanh đề xuất này.

Thiệt thòi cho người lao động

Liên quan đến đề xuất của Bộ LĐTBXH, bạn đọc Bích Liên bày tỏ: Không phải người lao động (NLĐ) cũng đủ điều kiện về sức khỏe để chờ và được hưởng lương hưu. Chẳng may rủi ro thì sẽ mất hết số tiền BHXH trong vòng mấy chục năm sao?

Bạn đọc Minh Dương cho hay: Tôi làm nhân sự của một doanh nghiệp có gần 300 lao động, sau khi đọc được đề xuất của Bộ LĐTBXH về vấn đề giảm tỷ lệ khi rút BHXH một lần thì NLĐ đồng loạt đề nghị không tham gia BHXH nữa. Chính sách an sinh là họ cần ngay lúc này chứ không chờ đợi.

Bạn đọc giấu tên viết: Tôi làm công nhân, hàng tháng tôi đóng BHXH 8%, công ty đóng 18%, một năm tính ra chúng tôi đóng hơn 4 tháng lương. Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần quá thiệt thòi cho NLĐ.

Bạn đọc X.H viết: Khi NLĐ nghỉ việc 1 năm mà không tìm được việc làm, giờ có giảm bao nhiêu thì họ cũng phải rút vì họ đang rất cần tiền để trang trải cuộc sống. Luật không nên ép buộc mà phải tìm cách để NLĐ gắn bó với hệ thống BHXH. Cũng đề nghị NLĐ đóng đủ 35 năm BHXH phải được hưởng 100% lương chứ không phải 75% như hiện hành.

Rút BHXH 1 lần ứng với số tiền NLĐ đã đóng

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết - số tiền tham gia BHXH hiện nay là NLĐ đóng 8%, doanh nghiệp đóng 18%.

Theo bà Hương, nếu NLĐ muốn rút BHXH 1 lần thì chỉ rút phần mà NLĐ đóng BHXH, phần doanh nghiệp đóng cho NLĐ vẫn giữ nguyên.

Quỹ hưu trí gồm bảo hiểm y tế rồi các chính sách an sinh khác, nếu rút BHXH như vậy đồng nghĩa với việc NLĐ không còn số năm tham gia đóng BHXH. Bà Nguyễn Thị Lan Hương lý giải, quy định số năm đóng BHXH là 20 năm được hưởng 45% tiền lương sau đó mới tăng dần theo thời gian. Nếu rút tiền BHXH, cuối cùng NLĐ không còn khoản tiền tích cóp sau khi về già, họ dễ trở thành gánh nặng cho bản thân và gia đình.

"Nếu NLĐ khó khăn, cần rút BHXH 1 lần, theo tôi, chỉ để NLĐ rút phần mà họ đóng BHXH và có thể thêm 1 số chính sách hỗ trợ họ. Còn số tiền BHXH doanh nghiệp đóng cho NLĐ thì giữ lại cho NLĐ hưởng hưu trí, để họ vẫn nằm trong hệ thống BHXH. Hoặc dựa vào số tiền BHXH còn lại của doanh nghiệp để có những chính sách bảo lãnh cho NLĐ vay hoặc thực hiện các chính sách về tín dụng" - bà Hương cho hay.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH 1 lần của Bộ LĐTBXH không phải là giải pháp triệt để điều chỉnh hành vi rút BHXH1 lần của NLĐ.

Theo bà Hương, đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH 1 lần của Bộ LĐTBXH không phải là giải pháp triệt để điều chỉnh hành vi rút BHXH 1 lần của NLĐ, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng NLĐ ra khỏi hệ thống.

"Một khi NLĐ muốn rút BHXH thì dù ít hay nhiều họ vẫn rút. Theo tôi, giải pháp điều chỉnh hành vi của NLĐ là phải thống nhất số tiền đóng BHXH của doanh nghiệp và NLĐ để lo cho tương lai về già.

Nếu NLĐ khó khăn cũng thông cảm với họ, chỉ cho rút khi tính toán trên cơ sở NLĐ đóng tiền tham gia BHXH. Như vậy vẫn đảm bảo được số năm đóng BHXH ở doanh nghiệp, vừa có số tiền giải quyết trước mắt" - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn