MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng đây là thời điểm phù hợp để trẻ đi học trở lại. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Tranh luận về việc cho trẻ đi học trực tiếp

Huyên Nguyễn LDO | 07/12/2021 09:28
Bài viết "Nếu trẻ không sớm được đi học có thể ảnh hưởng cả một thế hệ" chia sẻ về quan điểm cho trẻ đến trường của bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả. 

Nhiều người ủng hộ 

Theo bài viết, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để đến trường. 

Trong khi người lớn đã làm mọi cách để hoà nhập thì trẻ em lại ở nhà. Đi học là hoà nhập, đến trường học trực tiếp, chơi với bạn bè, giao tiếp với cô giáo. Đây là thời điểm tốt nhất để trẻ được hoà nhập và được phát triển. Nhiều phụ huynh nghĩ đến trường thì không an toàn bằng ở nhà, quan điểm này không chính xác.

“Phụ huynh đừng tưởng ở nhà thì trẻ không bị bệnh. Rõ ràng bây giờ không đi học mà trẻ cũng bệnh. Ở nhà cũng là người lớn ra ngoài mắc bệnh và lây về cho con. Nếu vẽ cung đường của một đứa trẻ đi học có thể thấy nó là an toàn”, ông Khanh chia sẻ.

Với kinh nghiệm của mình, vị chuyên gia cho rằng trẻ con mắc COVID-19 thường bệnh nhẹ, chỉ đối tượng nguy cơ như béo phì hoặc có bệnh nền nặng như suy thận, suy gan giai đoạn cuối, chậm phát triển nặng, tim bẩm sinh nặng… mới dễ chuyển biến nặng, do đó phụ huynh đừng quá sức lo lắng khi trẻ là F0.

Trên Fanpage của Báo Lao Động, nhiều bạn đọc đã chia sẻ bài viết và để lại bình luận về nội dung này.

Ủng hộ quan điểm trẻ cần được đến trường thay vì ở nhà thời gian dài, bạn đọc Tu Tran cho biết: "Hoan hô bác sĩ đã đưa một vấn đề xã hội cần quan tâm. Hãy để các cháu đến trường, để hòa nhập xã hội...".

Bạn đọc Hong Loan Tran Thi nêu thực tế: "Không cho trẻ ra ngoài vận động, từ tháng 5 đến nay, nhốt trẻ trong nhà, quanh quẩn phòng ngủ, ăn rồi nằm, xem điện thoại, học online ngồi tự do… Trẻ có phần chậm lại không lạnh lợi như lúc đi học".

Bạn đọc Man Iron cho rằng: "Đồng ý với bác, bắt trẻ ở nhà nhưng phụ huynh thì vẫn lao ra đường, đi khắp nơi, tiếp xúc đủ kiểu mà lại bảo học sinh ở nhà an toàn là điều phi lí. Thêm nữa, tỉ lệ các cháu lây nhiễm virus so với người lớn là rất thấp. Dịch bệnh có thể kéo dài vài năm thì các cháu cũng phải ở nhà vài năm sao? Các cháu đến trường, ngoài việc học kiến thức còn học thêm các kĩ năng mềm chứ không phải nhốt mình tự kỉ, sống với thế giới ảo vài năm được. Tư duy cần tích cực và dũng cảm hơn vì cuộc sống nó vẫn phải tiếp diễn và phát triển".

"Vẫn nên cho các cháu đi học", "Đồng ý giữ khư khư trong nhà chẳng đảm bảo trẻ không nhiễm bệnh lại còn 1 đống hệ lụy", "Đúng vậy, phải cho các cháu đến trường"..., nhiều bình luận ủng hộ được để lại.

Tâm huyết với quan điểm của bác sĩ Trương Hữu Khanh, bạn đọc Khánh Bùi viết: "Mình nghĩ nếu bố mẹ nào ấn vào đọc thì cũng sẽ muốn suy nghĩ nhiều hơn một chút về sức khoẻ tâm lí của con.

Trẻ em cứ mỗi độ tuổi lại có từng giai đoạn để tập trung phát triển khác nhau, có những kĩ năng nếu bỏ qua tuổi thì sau này tiềm năng phát triển không còn được như lúc nhỏ nữa. Nếu cha mẹ cảm thấy phát triển ngôn ngữ, các kĩ năng giao tiếp xã hội... không quan trọng thì vẫn để bé ở nhà được mà.

Cá nhân mình, thời gian vừa qua mình gặp không ít các bé có vấn đề tâm lí liên quan tới dịch bệnh. Có bé bị trực tiếp như rối loạn lo âu do youtuber yêu thích của con bị tai nạn mà mẹ không biết (bé ở nhà được xem YouTube cả ngày), hoặc trẻ tự kỉ nhưng không được đưa đi can thiệp trong thời gian dài"...

Bạn đọc để lại hàng trăm ý kiến tranh luận trên Fanpage của Báo Lao Động. 

Góp ý về cách triển khai của các trường, tài khoản Jack Nguyen thì cho rằng công tác truyền thông tới phụ huynh chưa tốt: "Không sai! Nhưng cách tổ chức và thông tin đến phụ huynh chưa ổn lắm! Hỏi cô giáo đứng lớp cô không thể trả lời được, cô bảo cấp trên bảo cô lập form ý kiến thì cô lập form để làm báo cáo. Trách nhiệm của cô chỉ vậy thôi".

Còn bạn đọc Tâm Vũ để lại bình luận thể hiện chỉ an tâm khi trẻ đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 trước khi đến trường: "Ai chẳng hiểu vậy nhưng để tiêm xong đã".  

Không ít phản đối

Bên cạnh đó, một số ý kiến thể hiện quan điểm chưa cần thiết đưa trẻ đến trường trong tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay.

Bạn đọc Lê Cường viết: "Học chậm vài năm chẳng ảnh hưởng gì cả! An toàn của bọn trẻ là trên hết".

Cùng quan điểm, bạn đọc Đào Hữu Thông bình luận: "Nghỉ 1 năm có sao". Trước quan điểm này, bạn đọc Ngô Nam tranh luận lại việc trẻ ở nhà quá lâu, không phải 1 năm mà sắp 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, việc đến trường của trẻ em bị ảnh hưởng nhiều. 

"Hòa nhập xã hội nhưng dịch đang bùng phát mạnh. Các cháu chưa được tiêm phòng, tính mạng các cháu khi bị nhiễm bệnh thì sao..." - bạn đọc Tĩnh Ly lo lắng. 

Bạn đọc Trần Phước bảo vệ quan điểm: "Lớp 1 chưa được đâu chú". 

Một bạn đọc khác nêu ý kiến nên cầm cự tiếp tục 3-6 tháng nữa để chờ vaccine và thuốc từ các nước có nền y học tiên tiến... còn hơn vội vàng quyết định cho các cháu đi học trong khi dịch bệnh bùng phát hầu hết các tỉnh thành. Cứ cho là phải chờ 6 tháng thậm chí 1 năm để có thuốc hữu hiệu cũng rất đáng để đánh đổi việc học chậm và kém hiệu quả thêm 3-6-9 thậm chí 12 tháng nhưng đảm bảo tính mạng các cháu.

Hiện tại, việc cho trẻ đi học trở lại vận nhận được nhiều sự quan tâm, tranh luận của phụ huynh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn