MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, cần thay đổi quan niệm về “trồng người”, về “tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện. Ảnh: Hải Nguyễn

Tranh luận việc có cần thiết bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"

Thiều Trang LDO | 27/11/2021 14:25

Đề xuất cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Theo GS Trần Ngọc Thêm, cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, trong khi khẩu hiệu nói trên đề cao sự phục tùng.

Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Báo Lao Động xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn, bày tỏ quan điểm liên quan đến vấn đề này: 

"Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu bất hủ trong quá trình học tập rèn luyện của mỗi người

"Trong quá trình học tập, có người học giỏi, người học khá, trung bình hoặc kém. Ra đời, mỗi người tìm cho mình một công việc, một hướng đi phù hợp năng lực của mình.

Tuy nhiên, đạo đức xã hội, nhân cách làm người ai cũng phải có. Xã hội càng phát triển, nền tảng đạo đức xã hội phải phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn vào từng con người. Một người muốn học cao biết rộng và giúp ích nhiều cho đời, trước hết con người đó phải có nền tảng đạo đức xã hội và nhân cách làm người phù hợp với thời đại, thâm chí vươn lên trước thời đại.

Có thể nói "Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu bất hủ cho quá trình học tập rèn luyện của mỗi một con người. Vấn đề là phải hiểu cho đúng theo nghĩa rộng và tùy từng điều kiện, môi trường" - bạn đọc Nguyễn Ngọc Lưu nêu quan điểm.

"Tiên học lễ, hậu học văn" là kim chỉ nam để hình thành cốt cách của mỗi con người

"Ai nói những người từng lớn lên qua môi trường giáo dục "Tiên học lễ, hậu học văn" là không có phản biện? Trong xã hội hiện nay, tổ chức nào không có phản biện (không có ý kiến trái chiều) thì sẽ không tồn tại lâu, nó sẽ tự bị đào thải.

Xét ngay trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, chính nhờ sự phản biện mà họ tìm ra hướng đi đúng để ngày càng phát triển lớn mạnh - làm ra những sản phẩm từ sự sáng tạo ngang tầm quốc tế. Thử hỏi ở đó có bao nhiêu có ý kiến phản biện từ những người được đào tạo không phải từ cái nôi "Tiên học lễ, hậu học văn"?

"Tiên học lễ, hậu học văn" là kim chỉ nam để hình thành cốt cách của từng con người. Mỗi con người chủ động hay thụ động, sáng tạo hay không là do tính cách của chính con người ấy. Tôi không ủng hộ quan điểm của GS Trần Ngọc Thêm" - bạn đọc Bùi Văn Doanh bình luận.

Vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay không phải là bỏ "lễ" mà làm sao có "lễ" đích thực

"Phần lễ bị GS Thêm hiểu hẹp quá so với lễ của Nho gia, càng hẹp hơn theo nghĩa lễ là kết quả hình thức hoá, chuẩn mực hoá các ứng xử. Nhân loại cũng như mỗi dân tộc đều tuyển lọc và chuẩn hoá thành đạo đức, phẩm hạnh, nhân tính qua lịch sử lâu dài, không phải ngẫu nhiên mà có được.

Đạo đức các tôn giáo cũng là đạo đức làm người với chuẩn hoá về niềm tin và nghi thức, tín điều và thực hành. Từ góc nhìn “hình thức hoá” các giá trị, chuẩn mực thì luật pháp cũng là hình thức hoá về lượng và chất mọi hoạt động của cá nhân và xã hội thành các quy định ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm của công dân.

Đã hình thức hoá thì phải có tính ổn định, đôi khi là “bảo thủ” thì mới thành khẩu hiệu, quy tắc và luật pháp. Bỏ một khẩu hiệu là cần thiết nếu nó trở thành phản động, gây hại lớn cho xã hội.

Vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay không phải là bỏ lễ mà là làm sao có lễ đích thực. Theo tôi, không bỏ khẩu hiệu này ở nhà trường mà phải coi đó là khẩu hiệu thầy cô phải làm được. Thầy cô mà vô lễ thì làm sao có trò hiếu lễ" - bạn đọc Hoàng Thị Thơ nêu quan điểm.

Chỉ có tự do tư tưởng, tự do biểu đạt và phản biện mới có sáng tạo để phát triển

"Tôi hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao ý kiến minh triết của GS Trần Ngọc Thêm. Áp đặt việc học chữ lễ hạn hẹp theo quan điểm Nho giáo đã khiến người Việt Nam ta ngoan hiền, khuôn phép, gọi dạ bảo vâng quá, không thoát ra được cái bóng của chính mình chứ chưa nói đến chuyện vượt thoát ra khỏi bề trên, vượt lên cả người dạy để phát triển bản thân mà từ đó góp phần giúp tiến bộ xã hội.

Chỉ có tự do tư tưởng, tự do biểu đạt và phản biện mới có sáng tạo để phát triển. Còn chữ lễ đã tự nội hàm trong việc giáo dục nhân cách và ý thức tuân thủ pháp luật của con người. Nếu chỉ thiển cận nhấn mạnh việc giáo dục "tiên học lễ" thì chỉ tạo ra một dân tộc ngoan hiền và thụ động" - bạn đọc Phạm Việt Cường bày tỏ.

Quan điểm "Tiên học lễ, hậu học văn" có còn phù hợp?

"Ngẫm về "Tiên học lễ hậu học văn", tôi đồng ý nên bỏ đi cái cũ kỹ, xáo mòn của câu khẩu hiệu cổ xưa. Tuy nhiên, bỏ là bỏ cách hiểu lễ và văn theo cách hiểu trước đây.

Nay cần hiểu, lễ là đức làm người, là đạo đức, đạo lý, là con đường đi đến chân lý - lẽ phải. Tiên học lễ là trước hết và trên hết phải học luân thường đạo lý. Biết phải biết trái, tôn trọng lẽ phải, phấn đấu vì lẽ phải, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lẽ phải - chân lý - sự thật - nay gọi là phẩm chất làm người.

Văn là nghiệp, sự nghiệp, là kiến thức kỹ năng, bản lĩnh, tư duy khoa học, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống cần có - nay gọi là năng lực làm người.

Như vậy, "Tiên học lễ, hậu học văn" trước hết và trên hết là học cái đức, đạo lý làm người rồi mới đến học những thứ khác. Nói theo ngôn ngữ giáo dục hiện đại là giáo dục lấy việc hình thành và bồi dưỡng phẩm chất người học là căn bản, cốt lõi; hình thành và phát triển năng lực người học là quan trọng, xuyên suốt quá trình giáo dục và tự giáo dục suốt đời của mỗi người" - bạn đọc Nguyễn Quỳnh bình luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn