MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trẻ em bị người thân bạo hành: Hàng xóm có phải chịu trách nhiệm hay không?

NGỌC ÁNH - ANH TÚ LDO | 16/04/2023 18:11

TP Hồ Chí Minh - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em, không chỉ dừng lại ở vài lần "vụt" roi cảnh cáo, mà là bạo hành đến mức đa chấn thương. Người thân, hàng xóm ai cũng "đã biết chuyện" nhưng rất ít người có sự can thiệp kịp thời vì cho rằng "đó không phải chuyện nhà mình".

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, tại TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra 2 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng, khiến dư luận phẫn nộ. Mới đây nhất là vụ bé trai 2 tuổi (huyện Hóc Môn) do mẹ ruột bạo hành, em nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sốc mạch, trên người có nhiều vết thương.

Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, trong đó, phần lớn do người thân quen với nạn nhân gây ra.

Trao đổi với Lao Động về nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị bạo hành bởi chính người thân của mình, bà Lê Thị Minh Hoa - Chuyên gia tâm lý cho biết, dù là nguyên nhân gì thì hành vi bạo lực đối với trẻ nhỏ đều không được chấp nhận: "Một vấn đề mà mọi người dễ nhìn thấy rõ nhất chính là người lớn, những bậc phụ huynh đã cho mình quyền được trút hết những phẫn nộ, tức giận của bản thân lên con trẻ vì cho rằng, chính đứa trẻ là nguồn cơn gây ra những khó khăn, áp lực trong cuộc sống mà họ phải chịu đựng".

Cũng theo bà Lê Thị Minh Hoa, nguyên nhân sâu xa cho việc cha mẹ dễ dàng "xuống tay" với con cái chính là do thiếu tình thương dành cho con. 

Đồng quan điểm với chuyên gia Lê Thị Minh Hoa, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cũng nói thêm, tình trạng cuộc sống, kinh tế, lao động, học tập của mỗi gia đình cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em.

"Đặc biệt, thời gian gần đây, sau khi test ma tuý đối với những cha mẹ bạo hành con trẻ hầu hết cho kết quả dương tính với ma tuý. Vậy nên việc sử dụng chất kích thích cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến bạo hành con trẻ", luật sư Nữ nói.

Bên cạnh đó, sự thờ ơ, lãnh đạm của hàng xóm, của những người phát hiện vụ việc từ sớm nhưng xem đó là "chuyện nhà người ta" cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra, thậm chí là tái bạo hành.

Chuyên gia Minh Hoa cho biết, tâm lý của những người ngoài cuộc là không muốn can thiệp vào chuyện riêng của gia đình người khác. "Sẽ có nhiều người cho rằng chuyện quát mắng trẻ là bình thường hoặc không nghĩ trẻ bị đánh đập tàn nhẫn đến vậy", bà Hoa nói.

Liên quan đến vấn đề trẻ bị bạo hành, hàng xóm có phải chịu trách nhiệm hay không, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng cho biết: "Không thể xử lý với vai trò đồng phạm nếu họ không cố ý cùng thực hiện tội phạm theo Điều 17 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, sẽ bị xử lý về hành vi che giấu hoặc không tố giác tội phạm nếu hành vi bạo hành là hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người theo Điều 18 hoặc 19 Bộ luật hình sự".

Theo luật sư, nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều vụ bạo hành xảy ra còn xuất phát từ xã hội: "Không thể chỉ một sớm một chiều mà thay đổi gốc rễ được, cần phải có sự quan tâm của toàn xã hội trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Nên có sự chung tay, vào cuộc của chính quyền, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng khu phố, để mọi người chung sức, chung lòng cùng bảo vệ trẻ em".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn