MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Tam Bình) chìm trong biển nước.

Triều cường gây ngập úng tại ĐBSCL: "Mất bò mới lo làm chuồng"

PHAN THỊ ANH THƯ LDO | 12/10/2018 07:30

Nước ngập các tuyến đường; thành thị lẫn nông thôn chìm trong biển nước, vỡ đê trên các cánh đồng; cá, tôm thoát ra ngoài; cây ăn trái ngập úng nặng nề; lúa chín nằm sâu trong con nước triều cường. Đâu đã vậy, mọi sinh hoạt trong đời sống đảo lộn; bệnh dịch hoành hành, tai nạn xảy đến… Đó là những gì mà người dân ĐBSCL hứng chịu khi con nước đầu tháng 9 âm lịch tràn về châu thổ.

Không nói nguyên nhân gây ra ngập úng bởi có quá nhiều chuyện để bàn, ở đây chỉ nói về bài học mất cảnh giác của chính quyền các cấp ở địa phương lẫn người dân.

Đã có không ít người dân miền Tây có quan niệm: Ảnh hưởng của triều cường không cao, không nhiều, không nguy hiểm, dù các cơ quan có chuyên môn đã thông tin cảnh báo. Họ còn cho rằng những dự báo thường mang tính trừu tượng, thiếu chính xác. Chuyện ngập úng sẽ không xảy ra và nếu có chỉ ở mức độ không trầm trọng.

Hệ lụy là nhiều nhà nông không tôn cao đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái; vẫn sạ lúa một cách bình thường; không có biện pháp di dời, bảo vệ gia súc, gia cầm, thủy sản…, và họ đã không kịp trở tay khi cơn đại hồng thủy bất ngờ kéo đến. Mức độ thiệt hại chưa được thống kê đầy đủ nhưng dự báo là rất lớn. Đây cũng là thiệt hại nhiều nhất từ trước đến nay do triều cường tại ĐBSCL.

Về phía chính quyền, dù đã có những thông tin cảnh báo triều cường nhưng một số nơi rất chủ quan không kiểm tra, gia cố đê bao và nếu có chỉ tương tự như những lần kiểm tra, gia cố các lần trước; hoàn toàn không có tư thế chủ động, đối phó.

Bên cạnh đó là chưa bố trí kịp thời, phù hợp lịch học, lịch làm việc cho học sinh, cán bộ, nhân viên tại các công sở các khu vực ngập sâu, đi lại khó khăn, nguy hiểm khi triều cường xảy ra đúng vào thời gian cao điểm đến trường, đến cơ quan. Một số nơi không kịp hình thành các điểm giữ trẻ, đưa đón trẻ em đến trường trong khi nước ngập rất sâu.

Song song đó nhiều tuyến đường trước đây đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không được tu sửa kịp thời, nay đã trở thành những cái bẫy chết người. Còn nhiều, rất nhiều chuyện để nói về bài học mất mát vì thiếu cảnh giác.

"Mất bò mới lo làm chuồng”, đó là câu nói mà người dân miền Tây đang nói với nhau trong sự chua xót, ngậm ngùi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn