MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ánh Dương sẽ dự định đi làm thêm khi sang năm thứ 2 đại học.

"Trợ cấp" cho sinh viên: 3 triệu một tháng là ít hay nhiều?

LƯƠNG HẠNH LDO | 03/08/2022 20:05
Với những sinh viên vừa xa gia đình, đến các thành phố lớn thuê trọ để sinh sống và học tập, tiền "trợ cấp" có vai trò cực kì quan trọng. Song, số tiền "trợ cấp" này còn phụ thuộc vào điều kiện của kinh tế của mỗi gia đình. 

Nhớ lại khoảnh khắc nhận tin đỗ Học viện Tài chính, Ánh Dương (SN 2003, quê Hải Dương) không khỏi vui mừng, chờ ngày nhập học. Cùng bạn thân thuê cùng một căn phòng trọ có giá 3 triệu đồng/tháng, Ánh Dương bắt đầu những ngày tháng đầu tiên làm sinh viên. 

"Trung bình mỗi tháng tính cả tiền điện, nước, em mất khoảng gần 2 triệu đồng chưa tính tiền ăn. Vì vậy mỗi tháng bố mẹ phải cho em khoảng 4 triệu đồng tiền sinh hoạt. Tuy nhiên, số tiền này em được bố mẹ cho rải rác trong tháng chứ không cố định trong một ngày", Ánh Dương chia sẻ. 

Được biết, mỗi tháng, Ánh Dương sẽ về quê thăm nhà từ 3-4 lần. Mỗi lần về, Dương thường được mẹ chuẩn bị đồ ăn như thịt, rau, củ... để mang lên Hà Nội tích trữ. Như vậy, Dương đã đỡ phần nào khoản tiền chi cho việc ăn, uống. 

"Vì cả em và bạn cùng phòng đều hay nấu ăn nên mang thức ăn ở quê lên phòng trọ để nấu. Việc này tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với phải mua thức ăn ở Hà Nội. Số tiền ăn ngoài cũng đỡ hẳn. Thi thoảng chúng em vẫn đi cà phê, đi xem phim hoặc dã ngoại nếu biết lấy khoản này bù khoản kia", Ánh Dương tâm sự.

Khi được hỏi về việc nếu gia đình chỉ gửi chi phí sinh hoạt khoảng 3 triệu đồng liệu có đủ không, Ánh Dương cho rằng rất khó để xoay xở, nhất là khi đang trong thời "bão giá". 

Còn nam sinh Nguyễn Cường (SN 2003, quê Hải Dương) - sinh viên năm nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, hiện nay em vẫn được gia đình trợ cấp 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền được hỗ trợ trên, Cường khẳng định: "Không đủ cũng phải đủ". 

Chia sẻ với PV, mỗi tháng, Cường phải chi trả tiền phòng trọ khoảng 1,5 triệu đồng đã bao gồm tiền điện, nước... Những tháng hè nóng nực, bật điều hòa thường xuyên, Cường sẽ phải chi trả số tiền điện cao hơn từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng.

"Còn lại khoảng hơn 1 triệu - 1,5 triệu đồng tùy tháng em phải chia đều cho các ngày. Vậy mỗi ngày em chỉ có khoảng 50.000 đồng dành cho tiền ăn. Nếu nấu cơm, số tiền này sẽ đủ để chi trả, còn ăn cơm ngoài quán không còn suất 25.000 đồng nữa, suất cơm rẻ nhất cũng đã 30.000 đồng", nam sinh bày tỏ.

Cường hy vọng sớm sắp xếp được thời gian học để có thể xin đi làm thêm, tự trang trải cuộc sống.

Để tăng số tiền trang trải, chi tiêu trong cuộc sống, Cường đã chọn đi làm phục vụ ở một quán cà phê. Tháng đầu tiên đi làm, nam sinh được trả 22.000 đồng/tiếng. Song, vì không thể sắp xếp thời gian học ở trường và đi làm, Nguyễn Cường đành chấp nhận nghỉ việc. 

"Số tiền bố mẹ cho bao nhiêu em chỉ biết nhận bấy nhiêu. Với 3 triệu trả lời là ít không phải, cho rằng là nhiều thì càng không. Em sẽ tiếp tục đi làm thêm nếu có cơ hội để tự thoải mái chi tiêu mà không phải đòi hỏi ở bố mẹ", nam sinh nói. 

Trợ cấp cho sinh viên bao nhiêu tiền một tháng là đủ?

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này qua email của Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn