MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều năm đã trôi qua, câu chuyện tâm linh về chùa Kè vẫn còn đó, nhưng cảnh vật xung quanh đã thay đổi nhiều. Ảnh: An Trịnh.

Trở lại nơi pho tượng "biết đẻ" và 5 cây đa thần huyền bí một thời

An Trịnh LDO | 24/10/2021 08:37

Hòa Bình - Chùa Kè ở Hòa Bình gắn liền với nhiều câu chuyện tâm linh, huyền bí. Vài năm trở lại đây cảnh vật quanh chùa có nhiều đổi khác.

Chùa Kè (thuộc xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) còn lưu truyền lời đồn đại về những cây đa linh thiêng.

Thời điểm năm 1896, ông Đinh Công Út - sãi chùa khi đó, đã cất công lên tận ngôi chùa cổ ở Mường Luống, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình để xin 8 cây đa về trồng tại chùa. Tuy nhiên, chỉ có 5 cây sống.

Theo người dân Mường Kè, cả huyện Tân Lạc chỉ có nơi đây còn giữ được những cây đa trăm tuổi. Với bà con, những cây đa này to nhất, lâu đời nhất, các vị thần linh khắp mọi nơi sẽ đều tụ họp về. "Cây đa thần" cũng theo quan niệm ấy mà ra.  

Năm 1957, chùa Kè từng bị dỡ bỏ. Đến năm 2005, người dân địa phương mới cùng nhau dựng lại ngôi chùa. Đặc biệt, ngôi chùa vẫn mang trong mình những câu chuyện, sự tích bí ẩn chưa có lời đáp. 

Ông Đinh Công Lư (người trông coi chùa - thủ từ) chia sẻ: "Có câu chuyện truyền tai rằng, một thời gian có nhiều thanh niên ngổ ngáo tại xóm Ngay (cách chùa chừng 3km) thấy tượng bụt đẻ đẹp nên muốn chiếm lấy, mang về, nhưng làm mọi cách đều không thể xoay chuyển".

Câu chuyện hòn đá biết đẻ vẫn còn nhiều kỳ bí chưa có lời giải đáp.

Những ngày cuối tháng 10.2021, tìm về ngôi chùa Kè, địa chỉ tại xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Men theo Quốc lộ 6, sau 30 phút di chuyển bằng xe máy từ trung tâm thị trấn Mãn Đức PV có mặt tại ngôi chùa.

Hình ảnh trước mắt khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Loạt 5 cây đa đại thụ trăm năm xanh tốt, nay chỉ còn 2 cây đứng vững. Vì gió bão, thời gian "3 thần đa" đã gãy đổ ngổn ngang.

Theo các cụ cao niên trong xã, những cây đa này đã có từ rất lâu, lớn lên thấy cây to cao, tỏa tán cả một khu đất rộng. Nhưng mưa bão, thời gian dài đã khiến nhiều cây ngã đổ.

Anh Đinh Công Chi - Người có hơn 10 năm làm công tác văn hóa tại xã Phú Vinh buồn rầu nói: "Quanh chùa cảnh vật hoang sơ chưa tôn tạo gì nhiều, nhưng điều đáng tiếc nhất, 3 cây đa vì mưa bão, sâu mọt đã đổ gãy, chết khô".

Một trong những cây đa cổ thụ còn đứng vững sau nhiều tác động.

Gọi là chùa nhưng không có tường bao xung quanh, sân bê tông chỉ có một khoảng nhỏ. 3 gian chùa được xây mới (năm 2017) trên nền tích ngôi chùa gỗ trước kia.

Gian giữa là pho tượng "bụt đẻ" được đặt trang trọng. Nhờ người thủ từ đốt hương xin phép, PV được hỏi chuyện, chụp ảnh bên trong.

Theo lời ông Đinh Công Lư - thủ từ trông coi chùa Kè: "Tôi là hậu duệ đời thứ 4 trông coi ngôi chùa, nhiều lần biến động của tự nhiên, chiến tranh tàn phá phải xây dựng tôn tạo mới có những gian chùa xây kiên cố như ngày nay".

Những năm trở lại đây, nhiều cây đã bị đã bị đổ gãy.

Để tìm hiểu thực hư các câu chuyện tâm linh quanh ngôi chùa này, PV có buổi làm việc với ông Đinh Sơn Tùng - Trưởng phòng Văn hóa huyện Tân Lạc. Ông Tùng chia sẻ: "Địa chỉ này đang chỉ mới bắt đầu khảo sát đưa vào diện kiểm kê, chuẩn bị thu thập hồ sơ mô tả, tuy nhiên lễ hội của người Mường gắn với rất nhiều giá trị văn hóa. Địa phương đang lên phương án giúp bảo tồn những giá trị".

"Những câu chuyện tâm linh, thần bí có thể chỉ là câu chuyện bà con truyền tai nhau nghe và tin như vậy chứ chưa có căn cứ khoa học nào để xác minh cụ thể được", ông Tùng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn