MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng khám đa khoa khu vực An Phú là một trong những đơn vị y tế cấp phường ở Thuận An đang gặp khó khăn về kinh phí hoạt động. Ảnh: Đ.T

Trớ trêu cảnh Trạm y tế phường cạn kinh phí, nợ tiền điện, nước nhiều tháng

ĐÌNH TRỌNG LDO | 01/03/2022 17:10

Bình Dương - Tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, nhiều trạm y tế phường đang gặp khó khăn về tài chính, thậm chí phải nợ tiền điện, tiền nước... nhiều tháng liền.

Bình Dương là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh đợt thứ 4 trong năm 2021. Các trạm y tế ở cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Trải qua cao điểm dịch, tuy nhiên đến nay nhiều trạm y tế đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu kinh phí hoạt động.

Theo phản ánh, bắt đầu từ tháng 6.2021, dịch COVID-19 bùng phát dữ dội trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Chi phí của Trạm y tế cấp phường đông người lao động của thành phố Thuận An đều tăng, nhất là thời điểm các phường bị "khóa chặt đông cứng". Các khoản tiền chi trả hoạt động tối thiểu vượt quá số kinh phí được cấp. Từ đó dẫn tới các trạm y tế thiếu kinh phí hoạt động trong bối cảnh việc phòng chống dịch còn diễn biến phức tạp. Các đơn vị y tế cấp phường phải nợ kéo dài tiền điện thoại, điện sinh hoạt.

Đơn cử, riêng Phòng khám đa khoa khu vực An Phú, đến nay vẫn còn nợ hàng chục triệu đồng các khoản tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền thuê bảo vệ và hộ lý, tiền văn phòng phẩm từ tháng 9-12.2021.

Từ khi chuyển qua cơ sở mới (trước đây là trường học), Phòng khám đa khoa khu vực An Phú gặp thêm nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.

Theo báo cáo của Bác sĩ Lê Duy Linh - Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực An Phú với Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, việc nợ các khoản tiền trên do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, dịch bùng phát làm tăng chi phí điện thoại, có tháng lên tới 3 triệu đồng - cán bộ y tế phải liên tục gọi điện cho F0, F1, F2 để xác minh, giám sát ca bệnh.

Ngoài ra, số nhân viên phòng khám, trạm y tế lưu động, tình nguyện viên... đều sinh hoạt 24/24 tại đây trong thời điểm chống dịch cũng làm tăng chi phí tiền điện nước... có tháng lên tới 5 triệu đồng.

Trong khi chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng thì nguồn thu của Phòng khám đa khoa khu vực An Phú lại không có vì phải tạm ngưng để tập trung chống dịch.

Đến đầu năm 2022, dịch tạm ổn, Phòng khám đa khoa khu vực An Phú tổ chức lại các hoạt động khám chữa bệnh cho người dân và người lao động thì đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như không đủ phòng để hoạt động, thậm chí không có bảng hiệu...

Phòng khám thậm chí còn chưa có bảng hiệu. 

UBND phường An Phú, thành phố Thuận An cho biết, trong điều kiện dịch bệnh, số tiền được cấp cũng chưa đủ cho đơn vị y tế cấp phường hoạt động. Tiền hoạt động phí của phòng khám cần tăng lên trên 100 triệu/năm thì mới đủ để hoạt động. 

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương xác nhận vấn đề này đang xảy ra ở nhiều trạm y tế phường tại Thuận An. Kinh phí hoạt động cấp cho Trạm Y tế trong bối cảnh dịch bệnh không đủ cho các đơn vị trang trải. 

Ngành y tế đang đề xuất cấp tỉnh giải quyết các vấn đề về tài chính để cho các trạm y tế yên tâm hoạt động hiệu quả hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn