MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù trồng cây trên đất lấn chiếm, nhưng bà Chung đã yêu cầu hỗ trợ 30 triệu đồng/cây. Ảnh: A.H

Trồng cây trên đất lấn chiếm, còn đòi hỗ trợ 19 tỉ đồng?

XUÂN HẢI LDO | 15/08/2017 10:11
Trong khi hầu hết các hộ dân đều nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và không một ai khiếu kiện để bàn giao mặt bằng cho Học viện Tài chính ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Vậy mà, khi triển khai dự án, duy nhất một hộ lại đòi hỗ trợ tiếp 30 triệu đồng/1 cây đào, dù đây là đất lấn chiếm.

Trồng trên đất lấn chiếm còn đòi hỗ trợ “giá khủng”

Ba trường đại học gồm ĐH Mỏ & Địa chất, Học viện Tài chính (HVTC) và ĐH Y tế Cộng đồng được Chính phủ quy hoạch trong khu đô thị Đại học tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhằm giảm tải cho nội đô và nâng cao cơ sở vật chất cho các trường đại học.

Hiện HVTC đã được UBND TP.Hà Nội ra quyết định giao 89.340m2 đất tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm để thực hiện giai đoạn 1 của Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống Hạ tầng kỹ thuật. Được biết, tất cả 115 hộ trong diện GPMB đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ, đặc biệt, không có một ai khiếu kiện. Tuy nhiên, trong thời gian khoảng 5 năm GPMB, có 13 hộ đã lấn chiếm để trồng cây ăn quả và hoa. Khi có quyết định giao đất của thành phố, để triển khai dự án, trong các ngày 16, 30.5 và 6.6, HVTC lần lượt ra các thông báo lần 1, 2 và 3 về việc đề nghị các hộ dân di dời tài sản trên đất đến chính quyền địa phương và các hộ có liên quan.

Với thái độ hợp tác, hiểu biết pháp luật, được sự động viên của HTX Dịch vụ Đông Thắng và UBND phường Đức Thắng, đa số người dân đã nhận tiền hỗ trợ (mức 700.000 đồng/sào) từ HVTC để di dời nhà tạm, lều tạm và cây cối của mình (chủ yếu là đào, quất, bưởi, xoài…) ra khỏi khu vực đất mình đã lấn chiếm.

Riêng bà Nguyễn Thị Chung (người ở phường Phú Thượng) không chấp nhận như vậy mà yêu cầu đơn vị thi công trả bình quân 30 triệu đồng/cây đào. Trong khi đây là đất bà Chung lấn chiếm tổng cộng 1.220m2 đất và trồng 645 cây đào. Theo đòi hỏi của bà Chung, thì đơn vị thi công phải trả cho bà khoảng 19 tỉ đồng (theo giá 30 triệu đồng/cây). Điều đáng nói là, bà Nguyễn Thị Chung cũng đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho HVTC từ năm 2013, không có khiếu kiện gì.

Đề nghị thực hiện theo luật để đảm bảo kỷ cương

Trong biên bản hỗ trợ di dời cho bà Chung lập ngày 2.6.2017, bà Chung thừa nhận sự tái lấn chiếm của mình: “Từ năm 2012 đến nay, học viện để hoang đất nên tôi đã tiến hành khai hoang và trồng đào tại một số thửa đất như đã liệt kê ở trên...”. Nhưng khi đề cập giá hỗ trợ, bà Chung không ngần ngại khi đưa ra ý kiến: “Giá đền bù đào, tôi đề xuất trung bình là 30 triệu đồng/cây”.

Về đòi hỏi này, đại diện HVTC, ông Đặng Ngọc Ninh - Phó Trưởng ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng HVTC - khẳng định: “Việc bà Chung yêu cầu chúng tôi phải mua đào với giá 30 triệu đồng/cây bất chấp lớn, bé là yêu cầu hết sức vô lý và không có căn cứ để xem xét. Bà con có đất trong khu vực GPMB cũng hết sức bất bình trước yêu cầu của bà Chung. Họ cũng đề nghị, chính quyền cứ theo luật mà làm để đảm bảo kỷ cương phép nước”.

Trong văn bản trả lời HVTC ngày 7.6.2017, các bà Nguyễn Thị Xuyến (tổ dân phố Đông Ngạc 4), Nguyễn Thị Đông (tổ dân phố Đông Ngạc 6) nêu rõ: “Thực tế sau khi nhận tiền đền bù của Học viện, tôi đã không canh tác nữa. Tôi khẳng định là không hề cho bà Nguyễn Thị Chung mượn đất, cũng không đồng ý cho bà Chung vào canh tác. Vì thế, tôi đề nghị HVTC và chính quyền địa phương cứ thực hiện như trong thông báo của Học viện đã nêu”.

Nội dung thông báo của HVTC nêu rõ: “Đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình không thực hiện việc di dời, thu hồi tài sản, hoa màu, HVTC sẽ phối hợp với UBND phường và các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn