MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh học online. Ảnh minh hoạ Hải Nguyễn.

“Trực tuyến hóa” trực tiếp trong dạy học, cả thầy và trò đều mệt mỏi

THẠC SĨ PHAN THẾ HOÀI LDO | 25/10/2021 11:01

Một tiết học vẫn 45 phút, mỗi buổi học sắp xếp 4-5 tiết, thậm chí ngày học 7-8 tiết khiến thầy trò bơ phờ khi dạy học trực tuyến.

Ngày 30.3.2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tạo ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó nêu rõ các yêu cầu, điều kiện để dạy học theo hình thức này.

Bên cạnh đó, Sở GDĐT các địa phương trên cả nước cũng đã tập huấn về cách thức xây dựng giờ dạy trực tuyến, thời lượng, nội dung dạy học. Tuy vậy, sau hơn một tháng triển khai, hoạt động dạy học trực tuyến ở nhiều tỉnh thành vẫn tồn tại không ít bất bập.

“Trực tuyến hóa” trực tiếp

Ngày 16.9.2021, Bộ GDĐT ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (THCS, THPT) năm học 2021-2022 thay thế Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27.8.2020.

Theo đó, Bộ GDĐT hướng dẫn giảm tải một số đơn vị kiến thức bằng cách chuyển một số bài học chính khóa sang khuyến khích tự học, tự đọc, tự làm hoặc tích hợp thành chủ đề. Thế nhưng, số tiết vẫn được giữ nguyên như trước đây nên nhiều giáo viên vẫn dạy học “trực tuyến hóa” trực tiếp khiến cả thầy và trò rất mệt mỏi.

Khảo sát nhỏ về dạy học trực tuyến một trường THPT ở TP.HCM, nữ sinh N.T.T trải lòng: “Em ngồi suốt buổi, vừa sạc điện thoại vừa học 4 tiết, điện thoại nóng ran muốn phát nổ. Nhiều lúc em cảm thấy nhức đầu kinh khủng, nhìn vào gương thì thấy mắt đỏ kè”.

Cùng chung nỗi khổ học trực tuyến học sinh T.T.A. chia sẻ, em luôn cảm thấy mệt mỏi vì buổi nào cũng phải học 4 tiết. Học sinh này sợ nhất là thầy cô giảng liên tục trong 90 phút - vừa nghe giảng vừa ghi bài trong thời gian dài rất nhức mắt.

Có thể khẳng định, trường nào dạy học “trực tuyến hóa” trực tiếp là đã làm sai hướng dẫn của Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT.

Điều 5 (hoạt động dạy học trực tuyến) của Thông tư này quy định (trích): Hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.

Học sinh học tập trực tuyến thực hiện các hoạt động chính sau: tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác.

Giáo viên dạy học trực tuyến thực hiện các hoạt động chính sau: tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.

Khác nhau giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến

Từ ngày 21–30.9, Bộ GDĐT đã tổ chức 5 khoá tập huấn trực tuyến về tổ chức dạy học trực tuyến cho gần 9.000 cán bộ, giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Trong bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên dạy trực tuyến, Bộ Giáo dục chỉ ra sự khác nhau giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Tôi lập bảng so sánh như sau để bạn đọc dễ bề đối chiếu, tham khảo.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), thời gian 1 tiết dạy học trực tuyến cần giảm bớt so với 1 tiết dạy học trực tiếp, tốt nhất là chỉ nên 30 phút/tiết. Số tiết học/buổi cũng cần điều chỉnh giảm bớt. Thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết học nhiều hơn, trước là 5 phút, nhưng bây giờ có thể là 10 phút.

Theo ông Thành, thời gian trực tuyến rút ngắn hơn chỉ để giáo viên chữa bài, giải thích vướng mắc, chốt kiến thức. Thời gian tính cho tiết học vẫn phải bao gồm cả công việc khi online và offline. Vì thế yêu cầu về kiến thức, kỹ năng không phải cắt giảm, nhưng thời gian học sinh phải tiếp xúc với máy tính để nghe giảng 1 chiều sẽ giảm.

Không chỉ đỡ cho học sinh stress vì nhìn lâu trên màn hình máy tính, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe mà còn để học sinh có tâm thế chủ động, có khả năng tự học, tự giải quyết nhiệm vụ - giờ học cũng không nhàm chán.

Nhìn chung, để dạy học trực tuyến thành công, giáo viên cần thay đổi phương pháp và soạn mới bài học bằng giáo án điện tử, ghi video bài giảng… Nếu giáo viên bê nguyên giáo án dạy trực tiếp để dạy trực tuyến là vừa sai phương pháp, vừa khiến công việc dạy học của thầy trò mệt mỏi thêm và kéo theo chất lượng học tập sẽ giảm sút.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn