MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trung tâm ngoại ngữ kiến nghị được hoạt động trở lại vì thời gian tạm dừng quá lâu khiến các trung tâm gặp rất nhiều khó khăn.

Trung tâm ngoại ngữ ở Bình Dương trên bờ vực phá sản, nhiều giáo viên phải tìm việc khác

ĐÌNH TRỌNG LDO | 05/11/2021 11:31

Bình Dương - Cho đến nay các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ ngắn hạn đã phải tạm dừng hoạt động 5 tháng liền do dịch bệnh. Tình trạng này khiến nhiều trung tâm ngoại ngữ trên bờ vực phá sản, không trả nổi tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên.

Theo ghi nhận, cho đến nay, tỉnh Bình Dương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang trạng thái bình thường mới hơn 1 tháng. Hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được cho phép hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh bằng hình thức hoạt động trung tâm đào tạo khóa ngắn hạn như kỹ năng, ngoại ngữ... vẫn chưa được cho phép hoạt động trở lại do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Việc kéo dài thời gian tạm dừng hoạt động, trong khi các trung tâm vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, điện nước, bảo vệ, lương nhân viên... khiến nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản.

Trung tâm Ngoại ngữ H 123 có 8 cơ sở tại Bình Dương, mỗi cơ sở đầu tư từ 4-6 tỉ đồng. Khi dịch bệnh xảy ra, tất cả các cơ sở của trung tâm phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn phải chi phí 300 triệu tiền mặt bằng, 900 triệu tiền lương giáo viên. 

Bàn ghế, lớp học của trung tâm ngoại ngữ bỏ không gần nửa năm.

Ông Ngô Tân Khánh Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ H 123 cho biết, tình hình này đã kéo dài hơn 5 tháng liên tiếp, trung tâm đã sử dụng hết nguồn tài chính tích lũy từ trước đến nay. Về nhân sự, nhiều giáo viên, nhân viên, thậm chí bảo vệ của trung tâm phải đi tìm công việc khác để kiếm sống.

Các trung tâm ngoại ngữ khác như: Trung tâm ngoại ngữ Sora, Trung tâm ngoại ngữ 3C, Trung tâm ngoại ngữ GCE... cũng gặp các khó khăn tương tự.

Bà Đinh Nguyễn Bảo Châu - Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ 3C (Phường Hiệp Thành, Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, trung tâm đã phải tạm dừng việc dạy học trực tiếp 5 tháng nay.

Hầu hết giáo viên chuyển sang dạy học miễn phí cho học viên thời gian gần đây. Hiện đời sống của nhân viên cũng khó khăn vì không có thu nhập. Trong khi đó, trung tâm phải chuyển qua dạy trực tuyến nhưng không hiệu quả, phải cắt giảm nhân sự, bù lỗ tiền mặt bằng, phí dịch vụ.

Ông Ngô Tân Khánh Vĩnh cho biết, trung tâm đã đánh giá tiêu chí, xây dựng phương án phòng dịch và kiến nghị cho đơn vị hoạt động trở lại trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt.

Dựa trên cơ sở nhu cầu học tập thực tế, biện pháp thích ứng an toàn phòng chống dịch... hiện các trung tâm đã gửi kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Bình Dương sớm có lộ trình cho phép các trung tâm được hoạt động trở lại ở vùng đã an toàn dịch bệnh.

Ông Ngô Tân Khánh Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ H 123 cho biết, trung tâm đã đánh giá các tiêu chí an toàn phòng chống dịch của các cơ sở.

Tiêm vaccine đầy đủ cho giáo viên, lớp học bố trí giảm số lượng học viên học trực tiếp, giữ khoảng cách 2m trong phòng học... Khi hoạt động trở lại sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch  5K. Bên cạnh đó, trung tâm cũng bố trí phòng cách ly và lập phương án phòng chống dịch theo đúng quy định.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương, hiện nay, ngành đang phối hợp triển khai tiêm vaccine cho học sinh cấp 2, cấp 3 và lên kế hoạch để các em đến trường học tập trực tiếp ở vùng an toàn dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương cho biết, Sở đã nhận được một số kiến nghị. Tuy nhiên, học viên của các trung tâm có nhiều lứa tuổi khác nhau liên quan đến an toàn dịch bệnh của các em. Vì vậy, Sở còn tính toán các lứa tuổi để xem xét cụ thể trước khi cho hoạt động trở lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn