MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trước khi đề nghị tăng lương, người lao động cần lưu ý điều gì?

Minh Hương LDO | 02/11/2020 14:49
Người lao động cần biết những điều sau đây để lựa chọn thời điểm tăng lương cho hiệu quả.

Lương được trả theo năng suất lao động và chất lượng công việc

Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.

Theo đó, người sử dụng lao động sẽ dựa vào lương thỏa thuận trong hợp đồng cùng với năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc để xem xét trả cho người lao động mức lương tương xứng.

Như vậy, trước khi đề nghị người sử dụng lao động tăng lương, người lao động cần xác định xem liệu mức lương mình đang hưởng có thỏa đáng với công sức lao động mà mình đã bỏ ra hay chưa. Nếu lương được trả chưa xứng đáng với những gì mình cống hiến, người lao động có thể đề xuất tăng lương.

Xem xét chế độ nâng bậc, nâng lương trong hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động chính là căn cứ xác lập quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Một trong những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động đó là chế độ nâng bậc, nâng lương.

Chế độ nâng bậc, nâng lương: theo nội dung thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức tiền lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Đồng thời, Bộ luật Lao động hiện hành cũng quy định, các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.

Như vậy, trường hợp các bên có thỏa thuận cụ thể về điều kiện, thời gian, mức tiền sau khi nâng bậc, nâng lương nêu trong hợp đồng, người lao động phải căn cứ vào nội dung ghi trong hợp đồng lao động để xem mình đã đủ điều kiện để nâng bậc, nâng lương hay chưa. Nếu đủ điều kiện thì người lao động có thể đề nghị tăng lương.

Quy định về lương tối thiểu vùng

Theo quy định của Bộ luật Lao động, mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 5 Nghị định 90/2019, mức lương trả cho người lao động trong điều kiện lao động bình thường phải bảo đảm:

Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Theo đó, người lao động làm công việc yêu cầu phải qua học nghề, đào tạo nghề phải được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.

Như vậy, người lao động nên đối chiếu mức lương hiện được trả với mức lương tối thiểu theo quy định trên. Nếu thấy mức lương của mình chưa thỏa đáng, người lao động có thể đề xuất yêu cầu tăng lương với người sử dụng lao động.

Bộ luật Lao động 2012 (hiện hành) chỉ có hiệu lực đến ngày 31.12.2020 và sẽ bị thay thế bởi Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 1.1.2021). Tuy nhiên, các căn cứ để trả lương, nâng lương cho người lao động sẽ không có sự thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn