MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trường học mượn đất dân mở lối đi, dù đất rộng thênh thang

TRẦN LƯU LDO | 23/04/2020 06:48
Lấy lý do số lượng học sinh tăng cao, nên phải mở rộng quy mô xây dựng trường học; tuy nhiên khi công trình được triển khai vẫn chỉ là quy mô cũ. Dù còn thừa đất, nhưng nhiều năm qua, trường này vẫn phải mượn đất của dân làm lối đi vào mà không quy hoạch mở lối đi riêng.

Thiếu minh bạch trong dự án xây trường?

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2015, Phòng GDĐT huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) có tờ trình đề xuất xây dựng mới Trường Mầm non Tân Nhơn (xã Tân Thới) với quy mô 6-8 phòng học, diện tích đất cần thu hồi xây dựng công trình là 3.000m2, tổng kinh phí khoảng 10 tỉ đồng.

Tuy nhiên sau đó, Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Phong Điền (gọi tắt là ban quản lý) đã đề xuất tăng diện tích đất cần thu hồi, giải phóng mặt bằng lên hơn gấp đôi (6.331m2).

Thời điểm này, ban quản lý lí giải rằng, do ban đầu, nhu cầu cần đáp ứng chỉ từ 200-250 trẻ, nên quy hoạch đất từ 3.000-3.500m2.

Đến cuối năm 2015, qua khảo sát, nhu cầu phục vụ tăng lên khoảng 584 học sinh nên các phòng ban tham mưu cho UBND huyện tăng đất thu hồi lên khoảng 6.600m2.

Theo tìm hiểu, địa điểm xây trường nằm trên khu đất gần 15.000m2 của một người dân. Sau đó, một người phụ nữ (ngụ ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) đã mua lại hơn 6.000m2. 

Trường mầm non Tân Nhơn nhìn từ phía ngoài rào. Ảnh: Trần Lưu.

Dù đất nằm trong quy hoạch, nhưng bà này vẫn làm thủ tục và được Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phong Điền khi đó, ký công văn, xác nhận cho phép chuyển mục đích sử dụng 116m2 sang đất trồng cây lâu năm, và được hưởng tiền đền bù cao hơn đất lúa. 

Sau đó, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (nay là Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phong Điền) vẫn ký duyệt. (Theo giá nhà nước, đất cây lâu năm, cao hơn 20.000đ/m2 so với đất lúa. Với diện tích hơn 100m2 có thể trồng được cả trăm cây xoài, sầu riêng... và được đền bù trên dưới 2 triệu đồng/cây).

Tiếp đó, ông Nghĩa tiếp tục ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng gộp thành 1 thửa lớn cho bà này.

Rất trùng hợp là Ban quản lý đã chọn địa điểm xây dựng trường nằm gọn 100% trên khu đất, với quy mô giải phóng mặt bằng 6.331m2. Dự án  có kinh phí 10 tỉ đã bị đội lên gần 15 tỉ đồng, chủ yếu là đội vốn giải phóng mặt bằng.

Xây dựng kiểu “bình mới rượu cũ”

Đến nay, Trường Mầm non Tân Nhơn được xây dựng vẫn chỉ với quy mô 6 phòng học, phục vụ khoảng 150 - 200 học sinh như lúc đầu. Trong khi trước đó, ban quản lý lấy lý do phục vụ khoảng 580 học sinh để quy hoạch khu đất tới 6.331m2.

Ghi nhận thực tế, Trường Mầm non Tân Nhơn đã đưa vào hoạt động khoảng 3 năm nay, và phải mượn đất của người dân mở lối đi từ đường lớn vào trường. Trong khi bên trong trường học, đất còn rộng thênh thang, quy hoạch trường lại không có lối vào.

Phần đất mượn của người dân làm lối đi vào trường mầm non Tân Nhơn. Ảnh: Trần Lưu.

Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Phòng GDĐT huyện Phong Điền cho biết, phần đất được sử dụng làm lối đi này là được 1 người dân cho mượn. Họ có ký cam kết viết tay không đòi hỏi gì. Còn nguyên nhân vì sao phải mượn đất mở lối đi thì ông không rõ.

“Lúc tôi về Phòng là năm 2016, khi đó, trường đã xây dựng xong”, ông Sang cho biết.

Cũng theo ông Sang, hiện nay, Trường Mầm non Tân Nhơn chỉ có 6 phòng học, với quy mô tối đa không quá 200 học sinh.

Trả lời câu hỏi vì sao quy hoạch trường có diện tích 6.600 m2, quy mô 585 học sinh, nhưng chỉ xây dựng theo quy mô cũ?- Ông Sang phân trần: “Như đã nói, tôi về trường năm 2016, nên thông tin trước đó tôi không nắm. Phần đất dư hiện nay có dùng để xây dựng trong tương lai hay không, tôi cũng không rõ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn