MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Xuyên Đông

Trường hợp được xét nghiệm nồng độ cồn tại cơ sở y tế

Xuyên Đông LDO | 11/12/2023 13:48

Nhiều người dân thắc mắc khi họ tham gia giao thông bị kiểm tra nồng độ cồn, vậy họ tự vào các cơ sở y tế để kiểm tra có được không?

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, một cán bộ cảnh sát giao thông cho biết, trong quá trình tác nghiệp, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra máy đo nồng độ cồn. Về nguyên tắc, các máy đo nồng độ cồn đã được kiểm định, kiểm tra nghiêm ngặt nên đảm bảo độ chính xác cao.

Do đó, khi bị kiểm tra nồng độ cồn, người tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng. Việc kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông tại cơ sở y tế chỉ được thực hiện khi có các chỉ định theo quy định của pháp luật.

Được biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, Cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để kiểm soát giao thông khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát giao thông hoặc khi có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng về việc dừng phương tiện để kiểm soát hay khi nhận được tin báo, phản ánh, tố giác của người dân về hành vi vi phạm.

Khi dừng xe, Cảnh sát giao thông có quyền kiểm soát các nội dung bao gồm: Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện; kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của xe; kiểm soát việc chấp hành các quy định về an toàn vận tải, kiểm soát nội dung khác có liên quan.

Theo đó, nếu kế hoạch tuần tra, kiểm soát giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho sử dụng máy đo nồng độ cồn thì cảnh sát giao thông có quyền gọi vào thổi nồng độ cồn.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, máy đo nồng độ cồn chỉ được sử dụng khi có quyết định, kế hoạch phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Đối với việc kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông tại các cơ sở y tế thực hiện tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA của Bộ Y Tế và Bộ Công an.

Thông tư liên tịch này quy định, những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu gồm những đối tượng sau:

Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông được sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ Công an) đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn