MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường tiểu học Phú Hữu (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: N.Quyên

Trường Phú Hữu phản hồi thông tin bếp ăn bán trú có thực phẩm không đủ an toàn

Chân Phúc LDO | 27/10/2023 14:58

TPHCM - Mới đây mạng xã hội xuất hiện đoạn video được cho quay tại một bếp ăn bán trú của trường học ở TP Thủ Đức khi trong tủ cấp đông có nhiều thực phẩm đã hư hỏng, không đảm bảo an toàn.

Nhiều thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ?

Theo đó, ngày 26.10, mạng xã hội lan truyền một đoạn video được cho là quay tại bếp ăn của Trường Tiểu học Phú Hữu (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM).

Theo nội dung phản ánh trong đoạn video, người này nhận là phụ huynh đến tham quan bếp ăn và đã báo trước, tuy nhiên tá hỏa phát hiện trong tủ cấp đông nhiều thực phẩm thịt, có những thực phẩm đã hư được bỏ chung.

Ngoài ra, tại bếp còn có đủ loại gia vị, can tương ớt không rõ xuất xứ nguồn gốc để cùng nước tương đen đều không có nhãn mác.

Sau khi thông tin này được đăng tải đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với bữa ăn bán trú của học sinh.

"Thực phẩm cho nhân viên"

Trao đổi với Lao Động, ông Phan Thanh Phải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hữu, TP Thủ Đức xác nhận có sự việc trên. Ông cho biết, đang làm báo cáo để gửi lên Phòng GDĐT TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, ông Phải cho biết, trong trường không có bếp ăn nên thông tin nói quay tại Trường Tiểu học Phú Hữu là không đúng. Bếp ăn đó của đơn vị được trường ký hợp đồng để cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.

Theo ông Phải, vào ngày 25.10, Ban lãnh đạo trường cùng Ban đại diện Cha mẹ học sinh trường có lịch tới kiểm tra đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh, lịch kiểm tra này đã được thông báo với đơn vị cung cấp suất ăn.

Trong buổi kiểm tra, phụ huynh nhìn thấy chai tương không nhãn mác, chân gà không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

"Thời điểm này, phía đơn vị cung cấp suất ăn cho biết đây là thực phẩm được dùng để nấu cho nhân viên nhưng để chung với thức ăn chế biến cho học sinh. Thực tế, từ trước đến nay chân gà không có trong thực đơn của học sinh. Và ngày hôm đó tôi đã chấn chỉnh đối tác về vấn đề này, yêu cầu họ phải chấm dứt tình trạng trên", ông Phải nói.

Ông Phải cho biết thêm, sau khi mạng xã hội xuất hiện đoạn video này, trong ngày 26.10, nhà trường quyết định ngưng ngay hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn trên.

Trong tối cùng ngày đã họp với Ban đại diện Cha mẹ học sinh để làm rõ và giải quyết sự việc. Thời gian ngừng ăn bán trú sẽ kéo dài cho đến khi nhà trường tìm được đối tác cung cấp suất ăn mới cho học sinh.

Theo hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hữu, đơn vị mới muốn trở thành nhà cung cấp suất ăn cho trường, phải đầy đủ các giấy tờ cần thiết, được đại diện ngành y tế TP Thủ Đức, phụ huynh và lãnh đạo trường đến kiểm tra cẩn thận tận nơi.

Được biết, đơn vị cung cấp suất ăn bán trú trước đó cho Trường Tiểu học Phú Hữu là Công ty Phương An Vĩnh Long. Hợp đồng ký đã từ nhiều năm nay. Giá trị mỗi suất ăn bán trú của học sinh trong trường là 28.000 đồng. Trường có hơn 1.000 học sinh, trong đó có 700 em ăn bán trú.

Trước đó, UBND TP Thủ Đức đã có công văn về kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP xuyên suốt năm học 2023-2024.

Đối tượng là các cơ sở bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP.Thủ Đức; cơ sở cung cấp suất ăn trong trường học; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các nguyên liệu, phụ gia, bao bì... được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn; các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm được đăng tải trên các thông tin đại chúng hiện nay; cơ sở có đơn phản ánh, khiếu nại về an toàn thực phẩm…

Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ rà soát giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; kiểm tra hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ mua vào, hồ sơ công bố/tự công bố sản phẩm, giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; công tác lưu mẫu; sổ thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước; các hồ sơ pháp lý và nội dung khác theo yêu cầu của các thành viên tham gia đoàn kiểm tra…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn