MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Squid Game đã phá vỡ mọi kỷ lục trên Netflix, tạo thêm một mốc son cho làn sóng Hallyu của Hàn Quốc đối với thế giới. Ảnh: Netflix.

Từ BTS, "Parasite" đến "Squid Game": Sự phát triển vũ bão của làn sóng Hàn

BÍCH THÙY (Theo Channel News Asia) LDO | 01/11/2021 20:14

"Squid Game" (Trò chơi con mực), bộ phim đình đám mới đây đã góp phần đưa làn sóng văn hóa Hàn Quốc đến gần hơn với khán giả phương Tây.

"Squid Game" và giai đoạn đỉnh cao của làn sóng Hallyu

"Squid Game" là bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, được phát hành trên Netflix từ ngày 17.9, với nội dung xoay quanh việc 456 người chơi kẹt tiền chấp nhận một lời mời kỳ lạ: Thi đấu trong vòng 6 ngày với 6 trò chơi dân gian khác nhau đi kèm với cái chết nếu thất bại. Đón chờ họ là tổng giải thưởng hấp dẫn lên đến 45,6 tỉ won (38,4 triệu USD) cho người sống sót.

Ngay sau khi ra mắt, bộ phim đã tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới. Netflix chỉ chi ra 21,4 triệu USD cho bộ phim nhưng đã mang lại giá trị tác động lên đến 891 triệu USD. Ước tính hơn 142 triệu hộ gia đình trên thế giới đã xem "Squid Game". Bộ phim của đạo diễn Hwang Dong-hyuk khiến cả thế giới một lần nữa nhắc đến Hallyu ("Hàn lưu") - làn sóng văn hóa Hàn Quốc.

Trước đó, vào năm 2020, BTS trở thành nhóm nhạc đầu tiên của Hàn Quốc được đề cử giải Grammy. Cùng năm, phim Parasite (Ký sinh trùng) với nội dung xoay quanh bất bình đẳng và xung đột giai cấp đã viết nên lịch sử cho điện ảnh Hàn Quốc khi giành được bốn giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất danh giá.

Sự thành công trên toàn cầu của làn sóng Hàn Quốc mang đến nhiều lợi ích cho quốc gia này. Theo Lloy Chan, chuyên gia kinh tế học của Oxfords ước tính, xuất khẩu nội dung văn hóa, bao gồm âm nhạc, phim ảnh và các chương trình truyền hình, đã tăng 6,3% lên 10,8 tỉ USD vào năm ngoái trong đại dịch COVID-19.

Một báo cáo vào tháng 10.2020 của Quỹ Giao lưu Văn hóa Quốc tế Hàn Quốc (KOFICE) cho thấy, giá trị xuất khẩu do làn sóng Hàn Quốc tăng hơn gấp đôi lên 6,4 tỉ USD vào năm 2019 so với ba năm trước đó. 

"Squid Game" giúp nhiều người trên thế giới hiểu hơn về văn hóa, con người Hàn Quốc, tiếp cận đông đảo nhiều đối tượng ở các quốc gia phương Tây. Ảnh: Post phim

Làn sóng Hàn Quốc cũng đã tác động tích cực đến ngành du lịch của nước này. Lượng khách du lịch đến Hàn Quốc đã có xu hướng tăng trước khi đại dịch xảy ra và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 17,5 triệu du khách vào năm 2019.

Điều này đã thúc đẩy các ngành công nghiệp khác như mỹ phẩm, chăm sóc da, thời trang và thực phẩm. Báo cáo của KOFICE tương tự cho thấy, doanh thu xuất khẩu hàng tiêu dùng do Hallyu tăng lên - từ 4,4 tỉ USD năm 2016 lên 5,9 tỉ USD năm 2019.

Sức mạnh mềm cho Hàn Quốc

“Hàn Quốc có thể xây dựng danh tiếng của mình như một địa điểm văn hóa tiên tiến và thú vị, thu hút nhiều khách du lịch và đầu tư nước ngoài hơn" - tiến sĩ Jin Dal Yong, người đã viết một số cuốn sách về làn sóng Hàn Quốc và đang là một giáo sư truyền thông tại Đại học Simon Fraser ở Canada, chia sẻ.

Với thành công của "Squid Game", các tên tuổi lớn nước ngoài khác đang nhảy vào đầu tư tại Hàn Quốc bên cạnh Netflix. Chẳng hạn, Apple TV + sẽ ra mắt dịch vụ tại quốc gia Châu Á vào tuần tới với các bản gốc bằng tiếng Hàn như phim kinh dị khoa học viễn tưởng "Dr. Brain" với sự tham gia của ngôi sao Parasite - Lee Sun-kyun.

Disney +, dịch vụ phát trực tuyến của Walt Disney, cũng sẽ đầu tư mạnh mẽ tại Hàn Quốc thời gian tới.

BTS là nhóm nhạc nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc hiện nay và được biết đến nhiều trên thế giới. Ảnh: AFP

Tiếp nối thành công của "Squid Game", Netflix gần đây đã phát hành bộ phim hành động "My Name" với sự tham gia của nữ diễn viên Hàn Quốc Han So-hee. Đầu năm nay, gã khổng lồ phát trực tuyến cho biết, họ sẽ tăng đầu tư vào các dự án của Hàn Quốc lên 500 triệu USD vào năm 2021, sau khi đã chi 700 triệu USD kể từ khi ra mắt thị trường vào năm 2015.

Ngoài những điểm sáng, Hàn Quốc vẫn đang vấp phải sự cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản. Tiến sĩ Jin cho hay: “Các quốc gia Đông Á này đã tiếp tục phát triển nội dung văn hóa của riêng họ, đồng thời ngăn cản một phần văn hóa Hàn Quốc phát sóng trên TV và rạp chiếu phim".

Ông nói thêm rằng, để vượt qua những thách thức này, ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc nên phát triển các nền tảng hàng đầu của riêng họ hoặc ít nhất là làm việc với những ông lớn trên toàn cầu như Netflix dựa trên "điều kiện công bằng".

Ông Jin cũng dự đoán webtoon hay truyện tranh kỹ thuật số sẽ trở thành cơn sốt lớn tiếp theo của làn sóng Hallyu. Một số bộ phim truyền hình và điện ảnh đã được chuyển thể thành công từ webtoon như "Itaewon Class" và "Space Sweepers", cả hai đều do Netflix sản xuất.

Tiến sĩ Jin nhấn mạnh: “Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của webtoon như là nguồn cung cấp các bộ phim điện ảnh và truyền hình. Điều này chỉ mới bắt đầu và do đó, chúng ta có thể chứng kiến ​​sự phổ biến chóng mặt của webtoon Hàn Quốc và các sản phẩm văn hóa dựa trên webtoon. Chúng có thể là nội dung văn hóa cho thế hệ tiếp theo của làn sóng Hàn Quốc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn