MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong vụ xét xử nâng điểm thi ở Sơn La, bị cáo Nga cho rằng không làm vậy (theo chỉ đạo của cấp trên) "không tồn tại được". Ảnh: P.Du.

Từ các vụ xử gian lận điểm thi: Sự phơi bày nghiệt ngã!

Thế Lâm LDO | 31/05/2020 14:35

Các vụ xét xử gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình, Sơn La đã tạm thời kết thúc. Những bản án được tuyên, nhìn chung là đúng người đúng tội,  thích đáng đối với những hành vi phạm tội và bán rẻ lương tâm của một số bị cáo vốn công tác trong lĩnh vực giáo dục.  

Tuy nhiên trong nhiều lời khai và lời nói cuối cùng của các bị cáo vốn là những cô giáo, cũng có vị đắng đầy xót xa. Nhìn ở các góc độ khác nhau, có người quá đáng trách và đáng tội, nhưng cũng có những người đáng cảm thông.

Một trong những đối tượng quá đáng trách và đáng tội chính là bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình). Chính bị cáo Liên, với phát ngôn “để đời”: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Một câu nói, một triết lí sống bán rẻ tất cả và khước từ tất cả những điều đúng đắn và cả lương tâm, nhân cách của một người làm giáo dục.

Chính từ bị cáo này, những mẫu giấy viết tay, mệnh lệnh yêu cầu nâng điểm thi tại các tổ chấm thi môn Văn mà đã khiến một số giáo viên chấm thi chuốc họa vào thân, trong đó có cả những người là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua.

Chính các “ý chỉ” từ bị cáo Liên truyền xuống cho các bị cáo Loan, Trà và từ đó được chuyển tiếp xuống cán bộ chấm thi, kết cục tất cả đều bị liên lụy bởi cái triết lí “sống gù” của Diệp Thị Hồng Liên. Những cô giáo là tổ trưởng chấm thi, các cán bộ chấm thi trực tiếp, trong một thế khó cưỡng chỉ đạo của cấp trên, cũng là tình huống đáng cảm thông.   

Tương tự, trong vụ xét xử vụ án nâng điểm tại Sơn La, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lí chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) thừa nhận sai phạm trong việc sửa bài, nâng điểm. Vai trò của bị cáo Nga trong vụ gian lận điểm thi tại địa phương rất lớn. Tuy nhiên, bị cáo này cũng giải bày rằng, ở vị trí một chuyên viên nếu không làm theo thì sẽ "không tồn tại được”.

Những chuyên viên quèn hay những cán bộ chấm thi bình thường, đã phạm tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng về mặt xã hội, dư luận hoàn toàn hiểu những tình huống “trên đe dưới búa” khó kháng lệnh được cho dù đó là lệnh miệng, chỉ đạo ngầm qua những mẩu giấy…

Sự phơi bày nghiệt ngã đối với một số người mang thân phận “con ong cái kiến” phạm tội có tính chất bị liên lụy: Có những việc biết là không đúng đắn, biết là sai nhưng vẫn “nhắm mắt đưa chân”. Bởi nếu không làm theo, hoàn toàn có khả năng sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về sau, như bị vô hiệu hóa về vị trí công việc, bị đì, thậm chí rất dễ dàng mất công ăn việc làm ổn định…

Trong môi trường công việc, có những giáo viên phạm tội ở vị trí là những người lao động thấp cổ bé họng. Và sự thật nghiệt ngã đối với thân phận của họ là: Làm cũng “chết”, không làm cũng “chết”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn