MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ chuyện sao biển chết khô đến ăn thịt thú rừng…

Bảo Hân LDO | 11/04/2021 13:30

Sao biển chết khô tại Phú Quốc, ăn thịt chim tự nhiên, thịt thú rừng… là những câu chuyện xấu xí, nói lên một điều, để thoả mãn cái tôi cá nhân vô tâm, ích kỷ, tham lam của mình, không ít người đã "phớt lờ" đến sự sống của những giống loài khác đang chung sống cùng con người trên hành tinh này.

Những ngày qua, hình ảnh và thông tin nhiều cá thể sao biển chết khô trên bờ biển Phú Quốc (Kiên Giang) trên các diễn đàn du lịch nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Trong đó có nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc và lên án việc check-in chụp hình sống ảo với sao biển rồi bỏ mặc nó chết khô.

Chỉ để có một vài bức ảnh “lung linh”, không ít du khách đã “bức tử” những sinh vật đẹp đẽ của biển cả. Để kiếm được nhiều likes trên mạng xã hội, họ đã vô tâm, hay cố tình không đếm xỉa gì đến sự sống của những con sao biển tội nghiệp.

Hãy tưởng tượng hình ảnh những con sao biển đỏ thắm trong màu xanh vô tận của đại dương. Khung cảnh đó thật đẹp đẽ, dâng trào một cảm giác về sự vĩ đại, tuyệt mỹ của thiên nhiên. Đặt sự tưởng tượng đó bên cạnh hình ảnh những người “bắt cóc” sao biển rồi tạo dáng bên các “nạn nhân” của mình, mới thật đáng buồn và đáng giận dữ làm sao!

Không chỉ sao biển, nhiều loài vật khác cũng đang là nạn nhân của những cái tôi ích kỷ của con người. Cái thú ăn thịt chim tự nhiên là một ví dụ khác. Để thoả mãn cái khao khát được thưởng thức chim tự nhiên, không những thế, còn phải là từ loài bé đến loài to, nhiều người đã rất thích thú khi được trải nghiệm hình thức ẩm thực tàn nhẫn này, coi đó một sự “hơn người” so với người khác.

Những câu chuyện khác, như ăn thịt thú rừng; dùng sừng tê giác, mật gấu, nấu cao hổ… để chữa bệnh… cũng thể hiện sự tham lam vô độ của không ít người. Chưa nói đến những bộ phận trên của động vật có lợi ích hay không, thì việc sẵn sàng tiếp tay cho thảm trạng giết hại các loài động vật quý hiếm chỉ để cho mình được khoẻ hơn cũng đã nói lên sự ích kỷ của không ít người.

Trân trọng sự sống của các loài vật trong tự nhiên, bảo vệ sự đa dạng sinh thái cũng chính là bảo vệ sự sống bền vững của con người nói chung, trong đó có mỗi cá nhân. Và chuyện đó cũng là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, chứ không chỉ là chuyện chung của cộng đồng, xã hội. Vả chăng, cộng đồng, xã hội nào cũng phải xuất phát từ mỗi cá nhân.

Bên cạnh nâng cao ý thức của những người vẫn coi tự nhiên như là “nguyên liệu” để thoả mãn cái tôi ích kỷ của mình, thì điều quan trọng hơn, phải tăng cường sự hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy mới bớt đi những câu chuyện “ngược đãi”, huỷ diệt tự nhiên đáng lên án như đã nói ở trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn