MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sầm Sơn được đầu tư hàng chục nghìn tỉ để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Ảnh: X.H

Từ chuyện suất bún "35K" ở Sầm Sơn

Xuân Hùng LDO | 21/05/2023 18:52

Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa du lịch, Sầm Sơn lại mang tiếng "chặt chém". Tuy nhiên, sự thật chuyện "chặt chém" thế nào cần phải công bằng. Mạng xã hội là quyền riêng tư của mọi người nhưng không có nghĩa ai thích "chém" Sầm Sơn thế nào thì cứ "chém". 

Ngày 20.5, một du khách đi du lịch ở Sầm Sơn (Thanh Hoá) đến ăn sáng gọi một suất bún chả được niêm yết giá cụ thể là 35K (35.000 đồng). Vậy nhưng người này tỏ ra bất ngờ khi suất bún này chỉ có 2 cái chả và một đĩa bún, sau đó tung tin trên mạng xã hội.

Sau khi đăng tải, thông tin này thu hút hàng chục ngàn lượt bình luận, chia sẻ từ các thành viên khác trong các diễn đàn, người thì cho rằng đúng sai, đắt rẻ thì chưa rõ; nhiều người thì bảo quán đã ghi rõ giá và định lượng như vậy ăn thì ăn không ăn thì nghỉ; người bảo 35K cho một suất bún 2 miếng chả là quá đắt…

Trao đổi với báo chí, ông Thiều Như Huynh – đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá) cho hay, sau khi nhận được thông tin từ đường dây nóng của du khách, đơn vị đã đến quán kiểm tra xử lý.

"Qua kiểm tra, các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh quán đầy đủ cả, việc niêm yết giá đầy đủ" - ông cho biết thêm.

Cũng theo ông Huynh, trước khi ăn chủ quán cũng đã nói thẳng là suất 35K (35.000 đồng) chỉ được như thế thôi. Còn hình ảnh chụp lên còn thiếu rau, nước chấm nhưng khách chỉ chụp hình đưa mình bún và chả lên.

Sau khi kiểm tra, đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2 (Quản lý thị trường Thanh Hoá) đã lập biên bản xử lý quán ăn này do niêm yết giá bằng "K" là không đúng quy định nên đã yêu cầu chủ quán phải viết bằng chữ Việt Nam đồng.

Câu chuyện này không lạ ở Sầm Sơn. Phải nói thẳng, trước kia, du khách đến Sầm Sơn rất nhiều người bị khó chịu, bức xúc vì nạn "chặt chém" của người làm dịch vụ. Sự thật là, thời điểm đó, nhiều người làm dịch vụ vốn là ngư dân, họ ít học, hầu như không biết gì về làm dịch vụ; 9 tháng ra khơi đánh cá, chỉ 3 tháng mới ở nhà làm du lịch, hôm nào ít khách lại ra khơi. Nói năng thì bỗ bả vì họ vốn "ăn sóng nói gió"; phong cách thì chộp giật vì chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, nhiều khi du khách bức xúc chủ yếu vì thái độ chứ thực tế, việc "chặt chém" vài nghìn, vài chục nghìn cũng chẳng bõ bèn gì. 

Những năm gần đây, Thanh Hóa đã đầu tư lớn vào du lịch Sầm Sơn. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng. Đường Hồ Xuân Hương, bãi tắm và gần đây là trục cảnh quan, quảng trường biển đã biến Sầm Sơn thành đô thị nghỉ dưỡng đẳng cấp, hiện đại.

Việc xử phạt nặng tay với nạn "chặt chém" du khách đi liền với tuyên truyền, đào tạo đã khiến tình trạng "chặt chém" ở Sầm Sơn chuyển biến rõ, hầu như còn rất ít vì chẳng ai muốn, "chặt chém" 200 nghìn đồng để bị phạt 20 triệu.

Tuy nhiên, từ câu chuyện "đĩa bún 35K", thiết nghĩ, chính quyền, người dân Sầm Sơn cần học hỏi, nâng tầm phục vụ của mình hơn nữa, để đĩa bún dù có đến 50K hay 100K thì du khách vẫn vui vẻ. Đầu tư lớn vào hạ tầng là quan trọng nhưng đầu tư vào con người là yếu tố quyết định của dịch vụ.

Ngược lại, du khách cũng nên có cái nhìn chia sẻ và ít kỳ thị, ít bị ám ảnh bởi nạn "chặt chém" ở Sầm Sơn. Nếu đi du lịch mà còn phân vân bởi 2 miếng chả hay 3 miếng chả thì cũng tội cho người làm du lịch quá. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn