MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai bé được tách rời thành công sau hơn 9 giờ trong phòng mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tự hào thôi, chưa đủ !

Trung Hiếu LDO | 16/07/2020 10:22
Trong vòng vài tháng, ngành y tế Việt Nam đã lập hai kỳ tích- là một trong rất ít nước khống chế được dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu, trong đó không bệnh nhân nào tử vong, thậm chí cứu sống cả viên phi công người Anh, trong cơn thập tử nhất sinh. Đồng thời, hôm qua (15.7), Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã tách rời thành công hai bé song sinh dính nhau.

Với những kỳ tích trên, có thể nói một cách tự hào, trình độ, thiết bị của ngành y tế Việt Nam có những bước tiến vượt bậc, không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Ở tuổi xưa nay hiếm, bác sĩ Trần Đông A, cùng học trò xuất sắc, bác sĩ Trương Quang Định, người chỉ huy ca mổ tách hai bé Diệu Linh-Trúc Linh thành công, đã đưa cả kíp mổ Bệnh viện Nhi đồng lừng lững đi vào Tự điển y văn thế giới.

Trở lại hơn 30 năm trước đây, ca tách dính hai anh em Việt- Đức, là trường hợp song sinh dính liền bụng chậu hiếm gặp, và chỉ chiếm khoảng 6% trên thế giới. Đó là trường hợp, thời điểm này chưa từng có trong y văn thế giới. Mười lăm giờ mổ đi vào lịch sử, đến nay kỷ lục đó vẫn chưa bị phá vỡ. Và tên tuổi của bác sĩ Trần Đông A được sách kỷ lục Giuness ghi nhận.

Trong lịch sử, bác sĩ Tôn Thất Tùng cũng đã từng làm nền y học thế giới cúi chào thán phục, với 123 công trình khoa học, trong đó có kỹ thuật “ Cách phân chia mạch máu trong gan”, chưa từng có trước đó. Y khoa thế giới đến nay vẫn còn biết đến phương pháp mổ gan mang tên ông.

Liệt kê như vậy để thấy, từ xưa đến nay nền y học Việt Nam chưa từng thiếu vắng những tên tuổi có thể sánh vai với các nhà bác học trong ngành y lừng lẫy toàn cầu. Thế nhưng, vì sao thực trạng hoạt động ngành y tế hiện nay vẫn để lại những ưu phiền, oán trách từ người dân?

Thử làm một khảo sát nhỏ trên mạng internet với bốn từ “bệnh viện quá tải”, trình tìm kiếm Google cho ra hàng vạn kết quả không mấy vui. Ví dụ trong dịp đoàn kiểm tra do Bộ trưởng y tế dẫn đầu, làm việc tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Báo cáo cho biết mỗi ngày BV khám ngoại trú, tư vấn cho đến 8.500 lượt bệnh nhân. Về nội trú, bệnh nhân lúc nào cũng vượt lên 104% .

Ở BV Chợ Rẫy, hàng năm tiếp nhận khám, cấp cứu cho cả triệu bệnh nhân từ khắp đất nước. Bình quân mỗi ngày BV phải khám, tư vấn, chữa bệnh cho hơn 5 ngàn người… Mỗi giường bệnh phải lưu dung đến 2, 3 người.

Nguyên nhân là mạng lưới y tế cơ sở còn kém cỏi, nên người dân dồn về các bệnh viện lớn, có đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm. Và đáng tiếc, đó không phải là cá biệt với thực trạng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân trên cả nước.

Qua hai sự kiện kể trên cho thấy trình độ y học Việt Nam so với thế giới rõ ràng không hề thua kém. Tuy vậy nếu hạ tầng cơ sở được cải thiện đúng mức cho đại chúng; lương y luôn như từ mẫu, như lời Bác Hồ từng căn dặn, thì có lẽ người dân Việt Nam sẽ còn hạnh phúc hơn nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn