MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tự hào với những chuyến bay hạnh phúc đêm giao thừa. Ảnh Anh Đức

Tự hào với những chuyến bay hạnh phúc đêm giao thừa

Minh Hạnh LDO | 22/01/2023 07:07

Reng reng... tiếng chuông báo thức của vị hành khách nào đó chợt kêu liên hồi báo hiệu đã điểm 12h. Và đó chính là cách tiếp viên Trần Thị Thanh Huyền nhận ra năm mới đã đến. Với chị, đón giao thừa ngay tại "phòng làm việc" trên không dường như đã trở thành một thói quen thân thuộc.

Bến đỗ trọn vẹn cho ước mơ

Ngay từ khi còn là một cô học sinh cấp 2, Thanh Huyền đã có ước mơ lớn lên được làm tiếp viên hàng không. “Với một cô học sinh ở tỉnh như tôi thì muốn trở thành tiếp viên hàng không phải thật giỏi tiếng Anh và xinh đẹp mà chỗ tôi ở thì không có nhiều điều kiện để học tiếng Anh nên ước mơ đó rất khó trở thành hiện thực”, Thanh Huyền chia sẻ.

Tiếp viên hàng không Trần Thị Thanh Huyền. Ảnh nhân vật cung cấp

Rồi đến khi trở thành sinh viên đại học tại Hà Nội, Thanh Huyền cũng không dám đi thi bởi tự ti vào vốn tiếng Anh của mình. Nhưng dường như “nghề chọn người”, khi đang làm luận văn tốt nghiệp thì Thanh Huyền được người bạn học cùng lớp đại học - sau này là đồng nghiệp và cũng là người bạn đời - động viên đi thi tiếp viên hàng không. Với chỗ dựa tinh thần vững chắc, chị Thanh Huyền  đã lần lượt vượt qua các chặng thi rất khắt khe.

“Đến khi nhận được kết quả đã đỗ tiếp viên hàng không của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, tôi vẫn không thể tin rằng mình đã vượt qua rất nhiều thí sinh để được đứng trong đội ngũ những tiếp viên xuất sắc của đợt tuyển sinh năm ấy”, chị Huyền cho hay.

Tết bận, Tết mệt... nhưng tự hào

Nghề tiếp viên hàng không đồng nghĩa với việc thường xuyên vắng nhà, nhiều khi không tham gia được những sự kiện quan trọng của gia đình và của con cái. Đặc biệt, những ngày Tết chính là thời điểm mà hai vợ chồng chị Thanh Huyền thường xuyên đi công tác. Theo chị Thanh Huyền, có những năm chị đi làm từ ngày 29 Tết đến ngày mồng 3 Tết mới về nhà, còn việc vắng mặt trong những đêm 30, Mùng 1 là việc hết sức bình thường của người làm tiếp viên hàng không. “May mắn là sau lưng tôi luôn có sự hỗ trợ, thấu hiểu của bố mẹ hai bên, của người chồng và cũng là đồng nghiệp của tôi”, Thanh Huyền chia sẻ.

Tổ bay nhận lì xì chúc mừng năm mới. Ảnh nhân vật cung cấp

An tâm khi luôn nhận được sự hỗ trợ của ông bà trong việc chăm sóc các con khi vắng nhà trong dịp Tết, vậy nhưng chị Thanh Huyền đôi khi vẫn có những phút chạnh lòng. Đặc thù công việc thường xuyên phải thức khuya dậy sớm, nhất là trong những ngày đông giá rét của Hà Nội. Vậy nhưng những khó khăn trong công việc vẫn chẳng thể so với nỗi lòng khi không có nhiều thời gian dành cho con cái, chăm sóc gia đình.

Gắn bó với nghề tiếp viên hàng không hơn 20 năm, Thanh Huyền chẳng thể nhớ bao nhiêu năm phải đón Tết xa nhà. Dù vậy, không khí đón năm mới trên chuyến bay thực sự rất ấm áp, khó quên làm cho chúng tôi cũng cảm thấy vui hơn, quên đi những nỗi buồn dù mình không được ở bên người thân trong thời khắc giao thừa  nhưng bên cạnh lại có những đồng nghiệp thân yêu, là những hành khách thân thiện.

Nhắc đến phút giây giao thừa, trong chị lại ùa về biết bao kỷ niệm về những ly champagne mời khách, những cuộc trò chuyện ngắn giới thiệu cho khách người nước ngoài văn hóa đón Tết của người Việt hay những lời chúc mừng năm mới, sức khoẻ và bình an...

Luôn tự hào là tiếp viên của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, được khoác lên mình bộ đồng phục là áo dài với biểu tượng sen vàng, chị Thanh Huyền luôn tâm niệm bản thân là những sứ giả truyền bá văn hoá của Việt Nam đến cho các hành khách, đặc biệt là người nước ngoài. Bởi vậy, mỗi hành động đều cần cam kết sẽ mang đến cho hành khách chất lượng phục vụ tốt nhất, chất lượng phục vụ "sen vàng".

"Năm Quý Mão điều tôi mong muốn có nhiều sức khoẻ, tràn đầy nhiệt huyết để luôn mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm đầy cảm xúc, khó quên khi bay cùng hãng hàng không quốc gia", chị Thanh Huyền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn