MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ tai nạn pháo nổ dịp Tết gây tâm lý bất an, cần xử lý nghiêm nạn pháo lậu

Anh Tú LDO | 21/02/2024 15:04

TPHCM - Dịp Tết vừa qua, tình trạng đốt pháo diễn ra ở khắp các địa phương và số vụ tai nạn do pháo nổ cũng xảy ra nhiều hơn Tết 2023. Đáng nói là có tình trạng nhiều người dân buôn bán, sử dụng các loại pháo nổ khác đang bị cấm, từ đó gây tâm lý bất an cho người dân.

Sau tiếng nổ từ quả pháo nhặt được ngoài sân, bé T (5 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TPHCM) chưa kịp nhận ra chuyện gì thì bàn tay trái dập nát, người bỏng rát.

Thời điểm xảy ra sự việc vào chiều mùng 3 Tết (tức ngày 12.2), gia đình bé T có đốt pháo trước nhà hàng xóm. Bé T sau đó lượm chơi một viên pháo đại trên sân. Pháo nổ khiến bàn tay trái của bé dập nát, người nhà nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.

Bé 5 tuổi mất bàn tay trái do tai nạn pháo nổ. Ảnh: BVCC

Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận bàn tay trái bé bị tổn thương dập nát, vùng mạn bụng trái tổn thương mô mềm, đùi phải tổn thương bỏng cháy đen (diện tích khoảng 3x2cm) do mảnh vỡ pháo văng vào.

Người dân bất an khi tình trạng đốt pháo tràn lan

Sau tai nạn do pháo nổ gây ra cho em bé 5 tuổi, nhiều người dân tỏ ra lo lắng trước tình trạng sử dụng pháo ăn mừng trong dịp lễ, Tết như vừa rồi, nhất là hiểm họa đối với trẻ nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Hoa (huyện Bình Chánh) cho biết, dịp Tết này có nhiều hộ dân đốt pháo để mừng năm mới. “Để xảy ra trường hợp trẻ con nhặt được pháo và bị phát nổ mất cả bàn tay thì quá nguy hiểm. Tôi có cháu nhỏ, nghe tin cũng giật thót tim” - bà Hoa nói.

Và bà Hoa cho rằng, chính quyền thành phố cần có biện pháp mạnh hơn, xử lý nghiêm hơn với việc sử dụng các loại pháo đang cấm hiện nay. Nếu không mạnh tay xử lý, tình trạng đốt pháo diễn ra tràn lan, mất kiểm soát như vừa qua sẽ gây nên những hậu quả khó lường.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa (Quận 3) cho hay, hầu như năm nào dịp Tết, xóm anh cũng tưng bừng pháo hoa. Theo anh Nghĩa quan sát, thường người dân xung quanh nhà anh mua dạng pháo do Bộ Quốc Phòng cấp phép. “Tuy nhiên, tôi nghĩ có một số khu vực ngoại thành, họ đốt chui những dạng pháo nổ đang bị cấm nên mới dẫn đến sự việc đau lòng như vừa rồi. Cần có hình thức xử phạt mạnh tay hơn với việc dùng pháo lậu” - anh Nghĩa chia sẻ thêm.

Trước đó, ngày 30.1.2024, Phòng Tham mưu Công an TPHCM thông tin, chỉ trong một tháng rưỡi, các lực lượng Công an TPHCM đã khởi tố 20 vụ với 27 bị can, thu giữ hơn 2,2 tấn pháo nổ thành phẩm và hơn 500 kg nguyên liệu sản xuất pháo...

Công an TPHCM phá đường dây buôn bán pháo nổ lớn ở TPHCM vào cuối năm 2023. Ảnh: Công an

Ngày 19.2, trung tá Đới Ngọc Thắng - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM - cho biết, TPHCM có tình trạng trung chuyển và sử dụng pháo lậu, dù TPHCM không phải là địa bàn sản xuất pháo lậu. Cho nên dịp Tết vẫn còn xảy ra tình trạng có người dân sử dụng pháo lậu.

Trước Tết, Công an TPHCM tập trung đấu tranh, bắt hàng tấn pháo lậu, đa số là các loại pháo nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy, trước Tết, lực lượng Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp các đơn vị liên quan bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, mua bán pháo lậu và thu giữ số lượng lớn. Bên cạnh đó, cũng theo dõi những đường dây vận chuyển pháo lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, kịp thời ngăn chặn nguồn cung.

Chuyên gia cảnh báo

Theo báo cáo của Bộ Y tế về công tác y tế trong dịp Tết Giáp Thìn, trong bảy ngày Tết (từ 29 Tết đến mùng 5 Tết, tức từ ngày 8-14.2), cả nước có 604 trường hợp khám và cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51,4% so với Tết 2023.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cảnh báo, phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ chơi với pháo vì rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương nặng các bộ phận cơ thể, thậm chí cả tính mạng.

Các bác sĩ cho biết, nạn nhân của tai nạn pháo chủ yếu là trẻ vị thành niên từ 15 đến 20 tuổi, hầu hết bỏng độ 3-4 ở vùng đầu, mặt, cổ, thân, phải thở máy.

Thành phần của thuốc pháo đều là hóa chất có tính dễ bắt cháy, khó dập lửa, thường gây bỏng nặng, nếu phát nổ có thể gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân.

Liên quan tới vấn đề trên, Luật sư Trịnh Công Minh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo thì pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa.

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, các hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ đều bị nghiêm cấm.

Hiện nay, chỉ có hai doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được cấp phép kinh doanh pháo hoa, đó là Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) và Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (Tổng Công ty GAET).

Người dân nếu tự bắn pháo hoa không phải do Bộ Quốc phòng sản xuất (pháo hoa lậu) tại nhà thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời, còn bị tịch thu hết số pháo hoa đó (theo khoản 3 và điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021).

Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn