MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ trái sang, theo chiều kim đồng hồ: Chợ Đồng Đăng mới; Người dân tập trung phản đối trước cổng UBND tỉnh Lạng Sơn chiều 26.7; Một góc chợ truyền thống cũ; Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: LN.

Từ “tâm bão” Đồng Đăng, những điều mắt thấy tai nghe

Long Nguyễn LDO | 28/07/2017 06:43
Trong khi hàng trăm tiểu thương tại chợ Đồng Đăng liên tục bãi thị để phản đối thì các cơ quan hữu trách tỉnh Lạng Sơn lại khẳng định chủ trương di chuyển chợ là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp và cần thiết.

Quan điểm nhất quán

Mới đây, chiều 26.7, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức họp báo về việc thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạng mục khuôn viên cây xanh tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Chủ trì buổi họp báo là ông Phạm Ngọc Thưởng – Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu trước báo giới, ông Thưởng khẳng định, việc đầu tư xây dựng khuôn viên cây xanh tại vị trí chợ Đồng Đăng hiện tại (chợ truyền thống) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch chung nhằm xây dựng thị trấn Đồng Đăng thành thị xã, trở thành đô thị hạt nhân của Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trong tương lai.

Để phục vụ dự án này, một công trình vững chãi là mô hình kết hợp giữa Trung tâm thương mại (TTTM) và chợ truyền thống đã được phê duyệt từ hơn 10 năm trước, hiện đã xây dựng xong, chỉ cách chợ cũ khoảng 1km, nằm ở vị trí thuận tiện nên bà con không cần quá lo lắng cho sự thay đổi…

Ông Phạm Ngọc Thưởng (đứng) chủ trì buổi họp báo. Ảnh: LN.

Tuy vậy ông Thưởng cũng nhận định, ít nhiều sẽ có hộ bị ảnh hưởng, đặc biệt là những tiểu thương đang sở hữu vị trí kinh doanh tốt tại chợ truyền thống, do đó ông rất hiểu và thông cảm. Vị lãnh đạo chia sẻ, ông là người Đồng Đăng, sinh ra và lớn lên ở Đồng Đăng, ông hiểu cần phải làm gì để phát triển kinh tế mảnh đất địa đầu này.

Tại buổi họp báo, vị chủ tịch UBND tỉnh xuất thân từ nghề giáo đã trích dẫn bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm rồi xúc động gửi gắm: Sự hi sinh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng xứng đáng được trân trọng.

“Đối với các hộ tiểu thương bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong khả năng cao nhất của tỉnh và theo quy định của pháp luật nhằm giảm thiểu tác động đến hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng như cuộc sống của các hộ tiểu thương” – ông Thưởng nói.

Tại buổi họp báo, trước câu hỏi cho rằng, một người bán hàng rau, sạp thịt từ chợ cũ cũng phải bỏ số hàng trăm triệu đồng để mua một ki ốt tại khu chợ mới, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn bác bỏ thông tin và cho biết, giá cả các ki ốt tại TTTM – Chợ Đồng Đăng đã được công bố công khai, đúng quy định và được UBND tỉnh phê duyệt. Nếu các hộ dân có đủ điều kiện thì có thể hợp đồng mua ki ốt trong 40 năm. Còn không, có thể thuê và trả tiền hàng tháng.

TTTM - Chợ Đồng Đăng. Ảnh: LN.

Ông Thưởng tái khẳng định quan điểm của tỉnh: “UBND tỉnh sẽ giao cho UBND huyện Cao Lộc, UBND thị trấn Đồng Đăng tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương chấp hành thông báo thu hồi đất; công khai lộ trình cụ thể thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng khuôn viên cây xanh để bà con chuẩn bị các điều kiện di chuyển vào TTTM – Chợ Đồng Đăng mới hoặc tìm kiếm địa điểm kinh doanh phù hợp”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền Lạng Sơn cũng cho biết, trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành phải đảm bảo đáp ứng 4 yêu cầu cơ bản là tuân thủ đúng quy định của pháp luật; đảm bảo ổn định chính trị - xã hội; đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, nhà đầu tư.

Ghi chép từ “tâm bão”

Có mặt tại TTTM – Chợ Đồng Đăng sáng cùng ngày, theo quan sát của phóng viên, đây là một tổ hợp hết sức rộng rãi, thoáng đãng với điểm nhấn là tòa nhà cao tầng bề thế, thiết kế hiện đại, nằm sát quốc lộ 1A.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Thoan – Phó Giám đốc Công ty PC Đầu tư và thương mại Đồng Đăng (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, TTTM – Chợ Đồng Đăng đã hoàn thành đưa vào sử dụng với thiết kế trên 800 ki ốt. Hiện, đã có 191 hộ (tương ứng 237 ki ốt) chuyển đến và kinh doanh. Số lượng các hộ tại chợ cũ cương quyết không chịu di dời là khoảng 200. “Việc kinh doanh của các tiểu thương tại đây đã dần đi vào ổn định. Đặc biệt, khu chợ ẩm thực, chợ quê có khoảng 12 ki ốt kinh doanh rất tốt…” – ông Thoan thông tin.

Mặc dù chưa thực sự hiệu quả nhưng các tiểu thương tại TTTM - Chợ Đồng Đăng đều lạc quan với tương lai. Ảnh: LN.

Vị Phó Giám đốc cũng cho hay, phía công ty đã và đang thực hiện nhiều chính sách chiêu thương để vận động bà con, tuy nhiên kết quả chưa đạt như kỳ vọng.

Trao đổi với PV, anh Vũ Văn Hiếu – một chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại tầng 3, TTTM – Chợ Đồng Đăng cho biết, anh chuyển đến thuê ki ốt để bán hàng ngay từ khi trung tâm đi vào hoạt động. “Về đây, bước đầu như thế này là được, mặc dù chưa đủ hoàn vốn nhưng tôi ủng hộ việc di chuyển chợ cũ Đồng Đăng về đây” – anh Hiếu nói.

Một tiểu thương khác cũng kinh doanh mặt hàng quần áo là chị Oanh, tâm sự: “Hiện vẫn đang trong thời kỳ hưởng giá thuê ki ốt ưu đãi nên lãi lời tạm đủ sống. Mấy hôm nữa hết thì cũng lo lắng một chút. Chúng tôi rất mong 2 chợ sẽ hợp nhất lại, như thế khách tập trung hơn, mình bán được nhiều hàng hơn”.

Một góc chợ truyền thống Đồng Đăng. Ảnh: LN.
Một góc chợ truyền thống Đồng Đăng. Ảnh: LN.

Còn tại chợ Đồng Đăng cũ, theo ghi nhận của PV, hiện trạng đã xuống cấp nghiêm trọng với hệ thống vòm mái, cột kèo cũ nát, rỉ sét; vách ngăn giữa các ki ốt mỏng manh, liêu xiêu; nền đất bụi bặm; hoạt động buôn bán nhộn nhịp nhất lại là ở khu vực chợ cóc phía ngoài rìa, chủ yếu bán nhu yếu phẩm hằng ngày…

Hầu hết các tiểu thương vẫn còn kinh doanh tại khu chợ có lịch sử hơn 100 năm này cho biết, bằng mọi giá, họ sẽ không di chuyển. Để phản đối, trong nhiều năm qua, các tiểu thương đã liên tục bãi thị. Gần đây nhất, họ đã bãi thị tới 39 ngày để xuống Hà Nội đưa đơn và chỉ vừa hoạt động trở lại vào ngày 23.7. Khi thấy PV chụp ảnh, nhiều tiểu thương đã lập tức chạy lại ngăn cản, hỏi han.

Được biết, cũng trong chiều 26.7, những tiểu thương này đã tập trung phía ngoài UBND tỉnh Lạng Sơn để tiếp tục dương cao khẩu hiệu, biểu ngữ, tranh ảnh hòng thể hiện quan điểm muốn giữ lại chợ truyền thống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn