MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều gia đình Việt vãn giữ truyền thống làm những món ăn ngày Tết cho gia đình. Ảnh: Thuỳ Trang

Tự tay chuẩn bị món Tết, gắn kết gia đình

THUỲ TRANG LDO | 18/01/2023 07:00

Tự nấu bánh chưng, làm mứt dừa 5 màu, mứt gừng cho đến những hũ kiệu thơm là cách mà nhiều bà mẹ vẫn đang cố gắng tiết kiệm chi phí và làm nên những cái Tết cổ truyền từ chính sự tham gia của các thành viên trong gia đình. Tết như chẳng đâu xa mà chính từ đôi tay mỗi người để Tết thêm gắn kết.

Ngày cuối năm, vừa kết thúc công việc ở cơ quan, chị Hà Bảo Châu, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng nhận được tin nhắn của mẹ chồng, bà nhắn các con ghé qua lấy chút quà Tết cho cả nhà.

“Mẹ tôi lớn tuổi rồi nhưng năm nào cũng tự làm mứt dừa, mứt gừng, ngâm củ kiệu rồi làm thịt heo ngâm mắm. Bà làm cho phần của 3 người con trai đã có gia đình. Mà cũng lạ lắm, tôi cũng thích những món bà làm, ăn lâu thành nghiện” – chị Châu kể. 

Biết ý các con không muốn mẹ vất vả, nhưng như đã thuộc lòng đứa nào thích món gì, mẹ chồng của chị Châu vẫn cặm cụi làm rồi nhắn các con về. 

  Mứt dừa, mứt gừng thường được các bà, các mẹ tự tay làm để đãi khách ngày Tết. Ảnh: Thuỳ Trang

“Ngày xưa, nhà tôi còn làm bánh da, bánh in, gói bánh tét nữa nhưng giờ lớn tuổi rồi, chỉ làm được món mứt dừa thôi cũng đủ đau lưng. Con cũng ngăn, vì bánh mứt ngoài hàng nhiều lắm nhưng tôi làm thấy vui. Rồi thấy con cháu ăn món mình làm, vậy mới ra Tết” – mẹ chị Châu kể. 

Tết với người miền Trung không thể nào thiếu món kiệu ngâm mắm. Bận rộn với quán tạp hoá tại nhà cả ngày, đặc biệt dịp Tết, đến thời gian nghỉ trưa cũng không có, ăn uống cũng thất thường nhưng chị Đặng Thị Nhi, trú quận Sơn Trà vẫn làm gần 20 lọ kiệu ngâm mắm.

Hỏi chị làm để bán thêm hay sao thì chị lắc đầu cười: “Làm gì có thời gian với sức đâu mà làm thêm bán. Số kiệu này là để tặng cho người thân, có chút quà nhà làm ăn Tết. Món này cả nhà tôi thích ăn với bánh tét, bánh chưng nhưng mua ngoài hàng thì có nơi ngọt quá, nơi mặn quá, nơi lại sợ không hợp vệ sinh nên tôi tự mày mò rồi làm. Mọi người khen ngon nên năm nào cũng làm. Làm mệt nhưng vui vì có món ngon cho gia đình dịp Tết”.

Được mẹ chồng cho mứt dừa, mứt gừng, chị Châu cũng gửi tặng lại ông bà cặp bánh chưng chị tự gói. “Gia đình tôi không có truyền thống gói bánh chưng, bánh tét vì nhà gần chợ. Các lò bánh cũng bán nhiều lắm như kiểu bước chân ra là có.

Nhưng nhiều năm nay cứ đến 27 Tết, tôi lại kêu gọi cả nhà cùng gói bánh chưng. Ban đầu ai cũng ngại, vì không biết gói. Tôi lọ mọ một mình lên Internet xem rồi tự gói. Nay đã là năm thứ 5 rồi, chưa đến Tết, ba tôi đã nhắc “đặt hàng” nhà con gái 2 cặp bánh chưng. Đến ngày gói thì người vo nếp, người lau lá, người gói rồi tối tranh nhau canh bánh” – chị Châu nói với giọng tự hào. Từ sự kiên trì của chị, giờ đây cả gia đình cứ đến Tết lại mong chờ những chiếc bánh chưng tự gói, tự nấu để mang tặng người thân hay đặt lên ban thờ ông bà tổ tiên. 

  Gia đình quây quần cùng nhau gói bánh chưng. Ảnh: Thuỳ Trang

Dù bận rộn với công việc nhưng không ít người vẫn đang chọn cách tự tay chuẩn bị Tết cho gia đình. Họ chọn cách gói bánh chưng tại nhà, dù bánh không ngon bằng những lò bánh có tiếng nhưng đó là dịp quây quần cùng con cháu như một cách để gắn chặt mọi người lại với nhau.

Họ tranh thủ những buổi tối muộn làm mẻ mứt dừa, mứt gừng, dù hơi vất vả và có khi cháy xém nhưng lại là thành quả từ chính bàn tay của người mẹ, người chị luôn mong mang món ngon và sạch lành cho con cháu. Dường như Tết được gìn giữ từ chính đôi tay của từng thành viên trong gia đình, để Tết thêm gắn kết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn