MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ vụ cháu bé rơi xuống trụ bê tông: Bài học từ tai nạn chưa có tiền lệ

PHONG LINH LDO | 06/01/2023 10:40
Nhiều người dân trên cả nước vẫn chưa khỏi xót xa trước sự việc cháu bé 10 tuổi không may rơi xuống trụ bê tông sâu 35m ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình đã tử vong. Tai nạn, dù rất hiếm có này, được xem là bài học kinh nghiệm cho nhiều người. 

Tai nạn hy hữu

Thông tin về bé trai T.L.H.N (2012, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) rơi xuống trụ bêtông có độ sâu 35m có lẽ không còn là điều quá xa lạ trên các mặt báo chí. Vụ việc còn xót xa hơn khi đã 7 ngày qua, trụ bêtông vẫn chưa thể nhấc lên, bé trai vẫn còn bên dưới lòng đất.

 Hiện trường vụ tai nạn tại. Ảnh: Thanh Bình

Rất nhiều ý kiến xoay quanh vụ việc cũng như tiến độ giải cứu cháu bé. Song, như lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, đây là "sự cố hy hữu, chưa có tiền lệ" gắn với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. 

Đường kính trụ bêtông có cháu bé H.N mắc kẹt. Ảnh: Trần Ngọc

Trung tá Trần Văn Giỏi, Phó đội trưởng Đội công tác cứu hộ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: Khi tiếp cận hiện trường có nhiều phương án đặt ra, trong đó có việc thả dây chuyên dụng xuống cọc bê tông kéo bé lên. Thế nhưng đường kính cọc bê tông quá nhỏ, nạn nhân bị kẹt cứng và nhân viên cứu hộ không thể tiếp cận được để luồn dây qua người nên không thể thực hiện phương án này.

Dư luận thắc mắc tại sao một đứa bé 10 tuổi lại có thể rơi xuống trụ bêtông có đường kính nhỏ như thế, đó là một câu chuyện không thể xảy ra! Nhưng, camera công trường cầu Rọc Sen cho thấy sự thật đã diễn ra. Cháu bé 10 tuổi, chỉ nặng hơn 20kg đã rơi xuống cọc bêtông sâu 35m.  

Nỗ lực, nhiều phương án

Rất nhiều phương án, giải pháp được lực lượng chức năng sử dụng nhằm rút ngắn thời gian giải cứu cháu bé H.N lên mặt đất nhưng vẫn không thành. Từ phương án dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc, khoan nhồi, khoan guồng xoắn, bổ sung phương pháp khoan xoáy nước áp lực lớn,... đến tổ chuyên gia quốc tế vào cuộc cũng chưa có tín hiệu khả quan. 

Rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giải cứu cháu bé nhanh nhất có thể. Ảnh: Sở TT&TT tỉnh Đồng Tháp. 

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Đối với ống cọc bê tông xuyên thấu 35m ở tầng đất sét và xung quanh có những ống cọc đã nén trước, nên độ nén rất lớn, rất khó khăn trong việc nhổ cọc lên.

Khi khoan cọc ở độ sâu từ 30m sẽ gặp những tầng đất rất phức tạp vì bám dính rất chặt.  Đơn vị đã có nhiều nỗ lực, nhiều giải pháp kỹ thuật thay đổi, tham khảo ý kiến chuyên gia liên tục nhưng vẫn phải chấp nhận địa chất thực tế".

 Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ. Ảnh: Phong Linh

Tối ngày 4.1, lực lượng chức năng chính thức xác nhận thông tin cháu bé đã tử vong dựa trên đánh giá giữa pháp y, y tế, chính quyền địa phương. 

Thông tin với báo chí, đến chiều tối ngày 5.1, tất cả các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, an ninh vẫn đang túc trực xuyên suốt tại hiện trường để chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng, điều kiện cần thiết để triển khai ngay khi các chuyên gia thống nhất phương án cứu hộ.

Không từ bỏ giải cứu, địa phương vẫn duy trì tất cả các lực lượng túc trực, an ninh, hậu cần để hỗ trợ tối đa cho lực lượng cứu hộ. 

Bài học kinh nghiệm

"Suốt những ngày qua, cứ hễ rảnh thời gian là tôi lại tìm đọc thông tin về cháu H.N. Không có một từ ngữ nào diễn tả nổi cảm xúc đó, đặc biệt là bậc làm cha mẹ như tôi. Tôi không nói về vấn đề trách nhiệm vì có ai ngờ một cháu bé lại rơi được vào trụ bêtông có đường kính 25cm. Công cuộc giải cứu quá vất vả, lực lượng chức năng đã làm hết công suất, họ làm đêm ngày không ngừng nghỉ. Tôi chỉ mong qua vụ việc này, xã hội sẽ rút được nhiều bài học kinh nghiệm về chăm sóc con, quản lý thi công, phương án cứu hộ để không một việc hy hữu nào xảy ra nữa" - bà Đặng Thị Ly, 44 tuổi, một bạn đọc ở Cần Thơ chia sẻ với Báo Lao Động.

Tại khu vực xảy ra tai nạn ở xã Phú Lợi, theo nhiều người dân địa phương, trong quá trình thi công, đơn vị thi công có giăng dây xung quanh công trường nhưng do nơi làm cầu nằm sát lộ và cạnh ruộng của người dân nên thỉnh thoảng một vài người đi làm ruộng, trẻ em vào công trường là chuyện không thể ngờ. 

Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều - Phó Tư lệnh Quân khu 9 đi cùng cha của cháu bé bị nạn. Ảnh: Phong Linh

Xuyên suốt túc trực ngày đêm tại hiện trường, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết lực lượng vẫn đang nỗ lực tìm cháu bé về với cha, mẹ và cùng gia đình lo hậu sự. Địa phương đã có đề xuất phương án hỗ trợ cho gia đình vượt qua mất mát, có công ăn việc làm, sớm ổn định cuộc sống.

"Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến, đóng góp về các giải pháp kỹ thuật để cứu hộ em bé, làm thế nào để rút ngắn, tiến tới hoàn thành công việc khó khăn này” - ông Bửu thông tin qua báo, đài. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn