MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Trương Văn Trung, ngư phủ làm việc trên tàu cá tại Cà Mau bị truyền trưởng cùng bạn tàu hành hạ dã man do bị cho là lười biếng. Ảnh cắt từ Clip

Từ vụ ngư dân bị hành hạ, làm ngư phủ không dễ

NHẬT HỒ LDO | 10/09/2023 06:28

Anh Trương Văn Trung, ngư phủ bị hành hạ dã man tại Cà Mau đã phần nào được đáp đền khi kẻ thủ ác đã đứng trước tòa lãnh án. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, nghề ngư phủ gian khổ, cần sức lực lẫn tay nghề nhưng từ trước tới nay chưa ai đào tạo, hướng dẫn họ cách sống, cách làm việc giữa lênh đênh biển cả.

Bị đánh vì bị là lười biếng

Đó là câu chuyện của anh Trương Văn Trung (SN 1977, cư trú ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) ngư dân bị hành hạ trên biển gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Đầu tháng 1.2022, tàu cá mang biển số BT 97993 TS do Nguyễn Công Toàn (SN 1986) làm thuyền trưởng xuất bến tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Lúc này trên tàu có ông Trương Văn Trung và 5 bị cáo. Quá trình hoạt động trên biển, Trung không làm được việc nên thường xuyên bị Toàn nhắc nhở nhiều lần.

Truyền trưởng cùng 4 bạn tàu hành hạ ngư phủ tại tòa lãnh án. Ảnh: Nhật Hồ

Do vậy, Toàn ra lệnh cho Đoàn Văn Tạc (37 tuổi), Nguyễn Văn Tị (34 tuổi), Nguyễn Văn Của (32 tuổi) và Sử Chí Tâm (27 tuổi) rằng: “Từ nay về sau nếu thằng Trung làm không được hoặc làm hư cái gì thì đánh nó cho tao, có gì tao chịu trách nhiệm”. Từ đó, các bị cáo đã dùng đuôi cá đuối, cây xúc nước đá đánh, dùng kìm bẻ răng... Đặc biệt, nhóm người này còn bắt anh Trung phải ăn cá sống.

Sau 12 trận đòn roi của "bạn tàu", ngày 30.5.2022, anh Trung được cho vào bờ với đầy rẫy vết thương trên người. Vào đến cửa biển Sông Đốc, Trung đến trình báo chính quyền địa phương.

Theo kết luận của trung tâm pháp y, tỉ lệ thương tích của anh Trung do bị bạo hành là 48%.

Anh Trung bị hành hạ dã man do bị cho là lười biếng không chịu làm việc. Ảnh: cắt từ clip

Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Công Toàn 6 năm 6 tháng tù; Đoàn Văn Tạc 5 năm 9 tháng tù; Nguyễn Văn Tị 5 năm 9 tháng tù; Nguyễn Văn Của 5 năm 9 tháng tù và Sử Chí Tâm 2 năm 6 tháng tù về tội “Hành hạ người khác” và “Cố ý gây thương tích”.

Sau phiên toà, anh Trung đã có những chia sẻ về cuộc sống, những đau đớn anh phải gánh chịu trong suốt thời gian qua. Anh cho biết, anh có đến 19 năm đi biển từ vùng biển Vũng Tàu, Phan Rang, Phan Thiết, Bình Định cho đến cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Đây là lần đầu tiên anh bị đồng nghiệp hành hạ dã man như thế.

Ngư phủ nghề cực nhọc. Ảnh: Nhật Hồ

Anh Trung có 5 anh em, anh là con lớn. Từ lúc nhỏ, anh đã mang nhiều bệnh để lại di chứng, chân yếu hơn so với mọi người. Năm 19 tuổi, anh Trung bị tai nạn hư mắt trái nên phải đeo mắt giả. Cha đã mất hơn 10 năm, mẹ bán vé số, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bản thân anh Trung lập gia đình, có 2 người con nhưng anh và vợ chia tay hơn 20 năm. Con trai sống cùng anh, con gái theo mẹ.

Sau khi sự việc được phơi bày và nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mạng, chính quyền địa phương, anh Trung đã có chi phí chuộc lại 12 công đất và cất được căn nhà che mưa, che nắng. “Bây giờ có cơ sở trên bờ rồi nên tôi quyết định nghỉ đi biển. Một phần vì sức lao động không còn đảm bảo, phần vì ám ảnh chuyện cũ”, anh Trung nói.

Nghề cực nhọc

Chuyện ngư phủ là người không được khỏe mạnh đi biển tại vùng biển Cà Mau, Bạc Liêu không thiếu. Cách đây 5 năm Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng thiếu lao động làm ngư phủ. Chủ tàu gom không đủ người, cò lao động tuyển mộ người không nghề nghiệp, thậm chí cả người có tiền sử tâm thần để đi biển.

Càng khó tìm ngư phủ cho những chuyến ra khơi dài ngày. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Nguyễn Văn Hiền, chủ tàu cá tại Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạn tàu có ai đào tạo đâu. Mỗi chuyến ra khơi có khi vài tháng mới về, nên tìm người khó lắm. Vào mùa cao điểm đánh bắt rất khó tìm bạn tàu để ra khơi.

Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Cà Mau, hiện tại chưa có cơ sở nào trên ở địa phương đào tạo nghề đi biển. Hầu hết các ngư dân tự truyền nghề với nhau.

Chấp nhận làm nghề ngư phủ phải có sức khỏe, chịu sự cô đơn do đi dài ngày trên biển. Ảnh: Nhật Hồ

Theo thống kê sơ bộ, vùng biển miền Tây có trên 3.000 tàu khai thác xa bờ nên cần một lượng ngư dân rất lớn. Nhưng lao động làm ngư phủ ngày càng hiếm trong khi lượng lao động bổ sung ít dần. Đã đến lúc cần quan tâm hơn đối với ngư phủ, nghề lênh đênh trên biển cả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn